CỘNG ĐỒNG BÌNH THUẬN THAM QUAN HỌC HỎI CÁC MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP
Để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển các mô hình sinh kế nông nghiệp. Ngày 13/05/2023, thông qua sự kết nối của NTFP_EP Việt Nam, Caritas Phan Thiết đã tổ chức cho cộng đồng hai thôn Suối Máu và Boon Thóp chuyến tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm mô hình sâm lông và mô hình tre.
Trong khuôn khổ chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm đoàn Suối Máu đã đến thăm mô hình sâm lông tiêu biểu của huyện Hàm Thuận Nam.

Tại điểm tham quan, học tập đoàn Suối Máu đã được Nguyễn Thị Thu, chủ mô hình sản xuất, trồng trọt sâm lông trực tiếp trao đổi một số kinh nghiệm trong nhân giống, việc phòng trừ các bệnh hại khó trị, kinh nghiệm bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. Đây là những kinh nghiệm quý để sau này các thành viên của đoàn áp dụng và phổ biến nhân rộng tại địa phương. Qua trao đổi đoàn đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong các khâu tổ chức, triển khai mô hình, tập huấn cho nông dân, tìm giải pháp cho những khó khăn đặc thù của địa phương.
Đối với bà con Suối Máu, cây sâm lông là loại cây rất quen thuộc, mọc rất nhiều trong rừng, và nó cũng là nguồn tạo ra sinh kế của một số đồng bào ở đây. Bà con đã có sáng kiến mang cây giống về nhà trồng và nhân rộng. Tuy nhiên, do chưa có kỹ thuật nên cây dễ bị chết, và do trồng thả lan nên khó hái lá. Đến tham quan vườn sâm của chị Thu, bà con được học hỏi thêm cách trồng sâm từ chị.
Chị Thu chia sẻ chị trồng vườn sâm đã được 8 năm, trồng cây sâm rất ít tốn diện tích đất, không tốn nhiều vốn đầu tư. Với số tiền có được từ bán lá sâm, giúp chị nâng cao thu nhập, lo cho các con đi học và trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình.
Xem thêm hình ảnh (Mô hình trồng sâm nam)
Cũng dịp này, đoàn nông dân thôn Boon Thớp – xã Phan Sơn đi tham quan mô hình chế biến các sản phẩm từ măng , tre, nứa tại Làng Tre Phú An thuộc xã Phú An – thị xã Bến Cát – tỉnh Bình Dương.

Làng tre Phú An là nơi bảo tồn bộ sưu tập tre lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Mọi người đều rất phấn khích vì giữa lòng thành phố công nghiệp lại có một khu rừng tre thiên nhiên, với nhiều giống tre trong và ngoài nước. Đoàn được Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh – chuyên viên nghiên cứu của Làng tre Phú An dẫn đi tham quan khu vườn ươm các giống tre, và có một buổi trao đổi về các giống tre bản địa tại xã Phan sơn. Cô Hạnh chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật để phát triển, chế biến các sản phẩm từ tre, cách vận động sử dụng đồ tre thay thế đồ nhựa để giảm ô nhiễm môi trường, tạo sinh kế cho chị em phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Xem thêm hình ảnh (Làng tre Phú An)
Các thành viên trong nhóm đã mạnh dạn chia sẻ những khó khăn của mình, và cảm thấy rất vinh hạnh khi được cô Hạnh chia sẻ nhiều kinh nghiệm của cá nhân cô khi đi làm việc cùng với cộng đồng. Đây là một động lực tinh thần thật quý giúp cho nhóm trong bước đầu hình thành và phát triển trong tương lai.
Sau khi thăm quan hai mô hình kinh tế tiêu biểu, tại buổi làm việc chung, cộng đồng đã cùng nhau chia sẽ, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp, đặc biệt là khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ cũng như quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Việc hình thành các tổ hợp tác/hợp tác xã là một trong những mục tiêu phát triển của nhóm.
Chị Hương cộng đồng thôn Boon Thóp: “Tôi tham quan được hình tre ở Phú An thì thấy có nhiều điểm hay, nổi bật. Qua buổi tham quan thì tôi cũng được trải nghiệm, rút được nhiều bài học từ đó. Theo tôi nhận thấy mô hình của Phú An thì cũng phù hợp với tình hình của địa phương Boon Thóp, qua buổi tham quan hôm nay tôi về sẽ nghiên cứu phát triển, để cho mô hình của thôn thôn Boon Thóp nói riêng, xã Phan Sơn nói chung càng ngày càng phát triển”.
Sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế Caritas Phan Thiết cũng như NTFP-EP Việt Nam mong muốn các thành viên trong đoàn, căn cứ kết quả tham quan, học tập được sau chuyến đi, chuẩn bị kế hoạch, cách làm để triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn sao cho có hiệu quả;
Việc tổ chức đoàn thăm quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình phát triền kinh tế nông nghiệp, nhằm tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp, áp dụng vào trong thực tiễn tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị cuộc sống và phát triển một cách bền vững kinh tế trong thời gian tới./.