Giới thiệu về hoạt động phối hợp với Đài Truyền Hình thực hiện phóng sự “Ký Ức Rừng Xanh”
Nhằm ghi lại những câu chuyện đầy cảm xúc về ký ức rừng xanh và quá trình phục hồi văn hóa, thiên nhiên, chúng tôi phối hợp cùng Đài Truyền Hình HTV thực hiện phóng sự “Ký Ức Rừng Xanh”. Chương trình ghi lại hành trình khôi phục nhà dài, văn hóa cộng đồng và bảo vệ rừng của người dân tại Lộc Tân (Lâm Đồng) và Ninh Thuận.
Hoạt động này nhằm hỗ trợ người Mạ trong việc khôi phục Nhà Dài – không chỉ là nơi sinh sống mà còn là trung tâm văn hóa cộng đồng, gắn liền với đời sống tinh thần và truyền thống của họ. Việc bảo tồn nhà dài không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn khuyến khích cộng đồng kết nối, phát triển kinh tế dựa trên du lịch sinh thái và nghề thủ công truyền thống. Các hoạt động đi kèm như các điệu múa cồng chiêng, rượu cần, cũng như tri thức bản địa về các loại thực vật tại Lộc Tân sẽ được phục dựng và lưu giữ, tạo điểm nhấn văn hóa đặc sắc cho cộng đồng. Đây là bước quan trọng trong việc kết hợp bảo tồn văn hóa với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giúp cộng đồng duy trì sinh kế bền vững.
Các thành viên trong dự án tái hiện cảnh khôi phục nhà dài.
Dự án tại khu vực Vườn Quốc Gia Núi Chúa tập trung vào việc trồng cây Xoay – một loài cây bản địa có giá trị sinh thái cao, giúp phục hồi rừng và cung cấp nguồn sinh kế cho người dân. Cây Xoay thích nghi tốt với điều kiện khô hạn của khu vực, có khả năng chống xói mòn và cung cấp trái cho thu nhập lâu dài. Trong quá trình triển khai tại Thôn Xóm Đèn, dự án đã phát triển mô hình trồng Xoay kết hợp với đường đồng mức trên đất dốc nhằm chống xói mòn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác các loại cây ăn trái. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ quỹ nuôi gà thả đồi cho một số hộ dân nhằm gia tăng sinh kế.
Bảo tồn rừng không thể tách rời khỏi đời sống của người dân địa phương. Việc tạo sinh kế cho cộng đồng dân tộc không chỉ giúp họ có cuộc sống ổn định hơn mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và khôi phục rừng. Khi rừng mang lại lợi ích kinh tế, người dân sẽ chủ động gìn giữ, chăm sóc và bảo vệ nguồn tài nguyên này thay vì khai thác cạn kiệt. Một minh chứng điển hình là sau khi lực lượng kiểm lâm tách ra khỏi Vườn Quốc Gia Núi Chúa, cộng đồng quanh khu vực đã tích cực hỗ trợ các chốt, trạm trong công tác tuần tra và bảo vệ rừng. Trước tình hình này, NTFP-EP Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí và nâng cao năng lực, tạo điều kiện để cộng đồng địa phương nâng cao đời sống, đồng thời bảo vệ tài nguyên rừng. Nhờ đó, việc tuần tra rừng tại Núi Chúa không chỉ được duy trì mà còn kết hợp với khai thác hợp lý lâm sản ngoài gỗ như măng, nấm và đặc biệt là mật ong – một nguồn thu quan trọng cho người dân địa phương, đồng thời trồng tre tại thôn Kiền Kiền để khai thác măng và nguyên liệu cho hoạt động đan lát. Qua quá trình tham quan, học tập và trao đổi về công nghệ chế biến sản phẩm mây tre đan vào tháng 12 năm 2024, các hộ dân đã mua và áp dụng máy móc vào quá trình chẻ và vuốt nan tre, giúp rút ngắn thời gian sản xuất đáng kể. Tại thôn Cầu Gãy, các hoạt động văn hóa như múa Mạ La cũng được duy trì, góp phần bảo tồn nét đẹp truyền thống của cộng đồng địa phương.
Thu hoạch xoay.
NTFP-EP Việt Nam đã chứng minh hiệu quả trong việc hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững, giúp họ tiếp cận kiến thức và công cụ cần thiết để cải thiện đời sống mà vẫn duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, các giải pháp khai thác lâm sản ngoài gỗ một cách hợp lý cũng được thực hiện thông qua tham vấn từ Viện Sinh Thái Học Miền Nam và NTFP-EP Việt Nam. Những mô hình phát triển bền vững như trồng cây Xoay, phát triển nghề đan lát, chế biến sản phẩm từ rừng và du lịch sinh thái là những giải pháp thiết thực giúp kết nối giữa bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững.
Phóng sự “Ký Ức Rừng Xanh” không chỉ ghi lại hành trình khôi phục thiên nhiên và văn hóa mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc dân tộc. Chương trình hy vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của rừng và sự phát triển bền vững.