“XÂY DỰNG CÔNG CỤ LỒNG GHÉP GIỚI TRONG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ PHÁT TRIỂN SINH KẾ”
Trong khuôn khổ Dự án Green livelihood Alliance 2 (GLA2): “Rừng vì tương lai công bằng”, Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP Việt Nam) thuộc Viện Sinh thái học Miền Nam (VSTHMN) hợp tác với hai đối tác Trung tâm Nghiên cứu Lâm Nghiệp Nhiệt Đới (TROPENBOS) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện khóa tập huấn về “Xây dựng công cụ lồng ghép giới trong quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế” trong thời gian 04 ngày từ ngày 06/06/2022 đến ngày 09/06/2022 tại TP. Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng.
Chương trình được sự tài trợ của Dự án GLA2, Misereor và tổ chức WECF với sự góp mặt của giảng viên Bà Ngô Thị Thu Hà–Th.S Kinh tế chính trị, Giám đốc Trung tâm CEPEW. Buổi tập huấn đã cung cấp các kiến thức cơ bản về giới, các công cụ lồng ghép giới trong quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế cho 14 đại biểu từ các tổ chức: NTFP-EP Việt Nam/SIE, TROPENBOS (Việt Nam) và PanNature. Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia về giới, các tổ chức thực hành lồng ghép giới trong dự án GLA2, với mong muốn tăng phúc lợi xã hội và góp phần tăng hiệu quả dự án.
Thông qua những câu chuyện sinh động về giới tại vùng dự án mà buổi tập huấn cung cấp, người tham gia đã có cái nhìn khách quan hơn về quản lý bảo vệ rừng và bình đẳng giới ở mỗi địa phương. Đồng thời học hỏi những bài học kinh nghiệm, hướng giải quyết phù hợp khi đối mặt với những xung đột về giới.
NTFP-EP Việt Nam cho biết, chương trình sẽ thực hành lồng ghép giới trong Dự án GLA2, hỗ trợ nhóm phụ nữ trở thành chủ doanh nghiệp nhằm đóng góp vào Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (tăng tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025) mà không vi phạm các nguyên tắc về phân biệt đối xử. Ngoài ra, thông qua những kiến thức về giới, việc sử dụng các công cụ lồng ghép giới vào quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế sẽ góp phần đảm bảo có sự tham gia và hưởng lợi công bằng của phụ nữ và nam giới trong việc lập kế hoạch, thực hiện, giám sát dự án. Qua đó tạo cơ hội thúc đẩy quyền bình đẳng giới trong quản trị tài nguyên và thụ hưởng bình đẳng những lợi ích/kết quả của dự án phát triển sinh kế mang lại.
Theo TROPENBOS, sau khóa học sẽ áp dụng lồng ghép giới trong chương trình hoạt động và thực thi các kế hoạch hàng năm, theo đó chú trọng nâng cao năng lực và chính sách về giới trong tổ chức.
Trung Tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) nhận thấy rằng việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý không nhất thiết chỉ có nam giới, mà cũng cần có sự tham gia của nữ giới trong các buổi tham vấn hoặc nâng cao năng lực về quản lý bảo vệ rừng cộng đồng. Ngoài ra, việc xây dựng công trình phúc lợi hay quỹ cộng đồng cần có sự tham gia và đóng góp ý kiến từ người già, người khuyết tật và trẻ em.
Một nghiên cứu của Inger Andersen – nhà kinh tế và môi trường người Đan Mạch, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã khẳng định phụ nữ đại diện cho 3,5 tỷ giải pháp có thể giải quyết triệt để những vấn đề toàn cầu. Bà đề cao vấn đề phụ nữ – bình đẳng giới, đưa ra những dẫn chứng về tầm quan trọng của phụ nữ trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, từ những nghiên cứu về ngành lâm nghiệp và thuỷ sản đã cho thấy việc trao quyền cho phụ nữ trong việc ra quyết định tài nguyên địa phương có thể dẫn đến quản trị và bảo tồn tốt hơn./.