NTFP Việt Nam

NÉT ĐẸP ÂM NHẠC CHĂM PA Ở NINH THUẬN

Âm nhạc truyền thống của người Chăm luôn là niềm tự hào của người dân địa phương khi khoác lên những giai điệu huyền bí, đẹp tuyệt diệu dưới những bóng tháp ngà,  loại hình âm nhạc phản ánh cuộc sống đời thường của con người Chăm.

Tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống

Dù trải qua bao thăng trầm và biến đổi của xã hội nhưng người Chăm vẫn luôn lưu giữ những giá trị âm nhạc truyền thống độc đáo của mình vì đối với họ đó là sự chọn lọc, kết tinh và sáng tạo của cả cộng đồng, giúp tạo nên một sắc thái âm nhạc phong phú và đa dạng.

Âm nhạc cổ truyền Chăm có thể chia ra làm hai loại hình. Đầu tiên là loại hình dân ca, dân nhạc trong cuộc sống, thường mang giai điệu trữ tình, đằm thắm và có sức ảnh hưởng sâu sắc đến nền âm nhạc của các dân tộc xung quanh, trong đó có âm nhạc cổ truyền miền Trung và Nam Bộ Việt Nam. Tiếp đó là loại hình âm nhạc thiêng trong nghi lễ  được cất lên mỗi mùa Lễ hội Katê hay hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khác xuyên suốt trong năm.

Bên cạnh những âm điệu mang đậm bản sắc văn hóa, người Chăm còn sở hữu hệ thống nhạc cụ phong phú với ba nhóm chính là bộ gõ, bộ hơi và bộ dây, phổ biến nhất là trống Ginăng, trống Paranưng và kèn Saranai. Âm nhạc của người Chăm đa dạng, phong phú, luôn phản ánh chân thật về cuộc sống và thế giới quan của họ.

Tuy nhiên, trước xu thế hòa nhập, giao lưu văn hoá cùng sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, giới trẻ ngày càng có cơ hội tiếp nhận nhiều loại hình âm nhạc mới mà dần đánh mất đi niềm đam mê với truyền thống âm nhạc dân tộc.

Trong khi đó, thế hệ nghệ nhân biết làm nhạc cụ, thuộc các bài bản âm nhạc cổ truyền, biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống như trống paranưng, kèn saranai, đàn kanhi lại càng lớn tuổi mà khó tìm được người tâm huyết để trao truyền.

Trăn trở trước sự mai một của nền âm nhạc truyền thống của đồng bào Chăm, nghệ nhân Ưu tú, Thạc sĩ Đàng Quang Dũng, Hội Văn học các dân tộc thiểu số TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng ta phải tổ chức đào tạo lại cho thế hệ trẻ đam mê âm nhạc Chăm tất cả các nhạc cụ dân tộc Chăm thì mới mong công tác bảo tồn được tốt. Hiện tại, các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ cũng như múa các vũ điệu Chăm trên sân khấu chuyên nghiệp đều đã lớn tuổi. Trong khi đó, thế hệ kế thừa nghệ sĩ chuyên nghiệp là con em người Chăm rất ít. Vì vậy, rất khó bảo tồn âm nhạc Chăm nếu không có giải pháp căn cơ”.

Bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào Chăm

Nhằm nâng cao và bảo vệ giá trị di sản văn hóa Chăm, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm trực thuộc Sở VHTTDL, đây là địa phương duy nhất trong cả nước có trung tâm nghiên cứu văn hóa riêng cho một dân tộc. 

Tại đây, nhiều nghiên cứu, khảo  sát về văn hóa Chăm và văn hóa các dân tộc khác có liên quan với người Chăm qua các thời kỳ đã được thực hiện, trong đó có âm nhạc, đã được sưu tầm, nghiên cứu, một số đã được công bố, xuất bản, một số đã được số hóa, hình thành kho tư liệu thư tịch cổ Chăm rất giá trị.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm với lực lượng diễn viên “bản địa” từ các đội văn nghệ không chuyên ở các làng Chăm. Năm 2013, Bộ VHTTDL ra quyết định tổ chức Ngày hội Văn hóa Chăm toàn quốc, với thời gian định kỳ 3 năm 1 lần. Đây chính là cơ hội để các nhạc sĩ, biên đạo, nghệ sĩ, nghệ nhân tìm hiểu và tôn vinh các làn điệu dân ca, dân nhạc và phát huy công năng của dàn nhạc cổ truyền Chăm. 

Để giải quyết thực trạng lớp trẻ không chịu tiếp bước giữ gìn nền âm nhạc truyền thống, các địa phương còn đặc biệt quan tâm, khuyến khích đồng bào Chăm thành lập nhiều câu lạc bộ phổ biến truyền nghề nhạc cụ dân tộc, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cũng như nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Chăm.

Đồng hành với các hoạt động tuyên truyền ở địa phương, tổ chức NTFP-EP Việt Nam cũng tiến hành các hoạt động động viên đồng bào tiếp tục phát huy nét đẹp truyền thống và gìn giữ bản sắc văn hoá Chăm. Tạo bước đà thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng, hướng tới việc cùng nhau bảo vệ và lan tỏa các giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc cho thế hệ mai sau. 

×