MẬT ONG PƠKAO – HÀNH TRÌNH ĐI ĐẾN NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Từ thời xa xưa, mật ong rừng đã tồn tại trong cuộc sống hằng ngày của Buôn Chiêng Kao – xã Đưng K’Nớh – huyện Lạc Dương – tỉnh Lâm Đồng. Người Cil ở đây từ lâu đã nổi tiếng với nghề săn mật ong rừng truyền thống. Họ chủ yếu dùng mật ong để uống, ngâm gạo làm bánh bồi bổ sức khỏe.
Đến năm 1992, người dân Đưng K’Nớ bắt đầu tìm hiểu về khai thác mật ong treo. Khi phát hiện tổ ong, nhóm gia đình Cil sẽ đánh dấu tổ bằng cành cây hay viết tên lên cây để thông báo rằng tổ ong này đã có chủ. Tiếp đến họ dùng kỹ thuật săn ong cổ truyền do chính người Cil sáng chế, không cần đồ bảo hộ, cũng không cần lửa, họ chỉ dùng tay gạt ong ra để lấy mật. Mật ong sau khi khai thác sẽ được người dân Đưng K’Nớh cất giữ trong gùi và vận chuyển đến Lạc Dương để thuận tiện việc buôn bán.
Năm 2006, nhu cầu mật ong rừng tăng cao, thương buôn xuất hiện ngày càng nhiều. Mật ong rừng Đưng K’Nớh nhờ vậy mà ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng vì vậy màmật ong bắt đầu bị ép giá, chất lượng mật đưa đến tay người dùng suy giảm, không còn giữ được độ nguyên chất vốn có.
Một thời gian dài được Caritas đồng hành, cộng đồng Đưng K’Nớh được đi giao lưu học hỏi nhiều nơi, bà con bắt đầu nhận thức rằng không nên phụ thuộc vào mỗi cây cà phê, thay vào đó cần phát triển thêm những sản phẩm sẵn có từ địa phương. Vì vậy, họ đã cùng nhau thành lập nhóm cộng đồng cùng khai thác và kinh doanh mật ong rừng mang tên Pơ Kao vào năm 2021.
Năm 2021, nhóm Pơ Kao được NTFP EP Việt Nam hỗ trợ tham gia khoá tập huấn tiếp thị kỹ thuật số, quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường thông qua các hoạt động lễ hội, triển lãm, trưng bày sản phẩm ở cửa hàng. Đến năm 2022, một xưởng sơ chế mật được hình thành với sự hỗ trợ của Caritas Đà lạt, NTFP-EP VN và sự nỗ lực của cộng đồng. Bên cạnh đó, nhóm được tham gia các khóa tập
huấn khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm mật ong đạt chuẩn dưới sự hướng dẫn của chuyên gia về ong hàng đầu Việt Nam-TS. Phùng Hữu Chính.
Mật ong Pơ Kao với nguồn mật hoa đa dạng và đặc trưng, quy trình khai thác tự nhiên và đảm bảo chất lượng đã giúp sản phẩm gặt hái được nhiều đánh giá tích cực của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó thách thức mà mật ong Pơ Kao phải đối mặt như việc chưa có một thương hiệu chính thức được bảo hộ đã khiến nhiều gian thương lợi dụng danh tiếng, uy tín của sản phẩm mật ong Pơ Kao để thu lợi bất chính. Từ đó giá thành bị bão hoà và khó cạnh tranh
Để giải quyết triệt để vấn đề này, nhóm Pơ Kao cần có một thương hiệu riêng cho sản phẩm được bảo hộ.ướng đến bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp cộng đồng và hơn hết là bảo vệ danh tiếng, uy tín và chất lượng mật ong Pơ Kao. Hơn nữa, đây cũng là bước đà khẳng định danh tiếng sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương. Chính vì vậy, NTFP-EP VN đã quyết định đồng hành cùng Caritas Đà Lạt từng bước giúp nhóm đạt Nhãn hiệu tập thể do NTFP-EP Châu Á cấp.
Chương trình cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và cam kết đồng hành cùng nhóm của các cấp chính quyền địa phương thông qua hội thảo “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho mật ong tự nhiên” vào ngày 20/09/2022 tại xã Đưng K’nớh.
Để đạt Nhãn hiệu này, sản phẩm phải đạt 3 tiêu chí:
Chất lượng: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường và đảm bảo tính an toàn.
Bền vững: Sản phẩm được thu hoạch một cách bền vững.
Truy xuất nguồn gốc: Sản phẩm được thu hoạch có nguồn gốc từ rừng và được cộng đồng quản lý một cách bền vững.
Vẫn còn một hành trình dài phía trước dành cho doanh nghiệp cộng đồng Pơ Kao như hoàn thiện quy trình quản lý, khai thác, chế biến đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; Hoàn thiện hệ thống bảo chứng có sự tham gia (PGS); Nâng cao năng lực cho các thành viên. Từng bước xây dựng thương hiệu mật ong Pơ Kao ngày càng lớn mạnh hơn.