KHU DTSQ NÚI CHÚA – SỰ KẾT NỐI GIỮA THIÊN NHIÊN VÀ VĂN HOÁ BẢN ĐỊA
Độc đáo từ thiên nhiên
Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) Núi Chúa với tổng diện tích hơn 106.646,45 ha, là nơi hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc.Theo khảo sát mới nhất ghi nhận KDTSQ Núi Chúa hiện có 1.514 loài thực vật và hệ động vật đa dạng với 766 loài được biết đến, trong đó có 54 loài thực vật và 60 loài động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN thế giới.
Bên cạnh đó, Khu DTSQ Núi Chúa còn được biết đến với các bãi biển đẹp và hoang sơ nhất khu vực miền Trung như Bình Tiên, Nước Ngọt, bãi Chuối, bãi Thùng, bãi Kênh… Với 40km đường biển bao quanh khu vực, Núi Chúa còn sở hữu rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam, trong đó trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển.
Tuy có khí hậu khô hạn nhất Việt Nam nhưng Núi Chúa vẫn có hệ thống những con suối nước chảy quanh năm, những ngọn núi trùng điệp, những đồi cỏ tranh xanh mướt…, là ngôi nhà chung của nhiều loài động vật hoang dã.
Chính những điểm độc đáo của thiên nhiên mà KDTSQ Núi Chúa đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo bạn bè quốc tế.
Đặc sắc du lịch cộng đồng tại Núi Chúa
Ngay sau khi được UNESCO công nhận, tỉnh Ninh Thuận đã nhanh chóng thực hiện các hoạt động tuyên truyền quảng bá về khu dự trữ sinh quyển. Đồng thời thành lập Ban quản lý nhằm củng cố công tác quản lý, phát triển Núi Chúa thành điểm đến hấp dẫn của địa phương theo hướng bảo tồn bền vững các giá trị đa dạng sinh học.
Song song với các công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên, Ninh Thuận đồng thời phát triển các loại hình du lịch và đa dạng các nội dung hoạt động trong khu vực nhằm tạo sự hấp dẫn để thu hút du khách, đặc biệt là du lịch sinh thái cộng đồng.
Khi đến với khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, du khách sẽ được dịp tham quan, tìm hiểu kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sản của cộng đồng các dân tộc bản địa Raglai, Chăm; di sản văn hóa vật thể nổi bật với các kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo như đình, chùa, đặc biệt là hệ thống các tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn qua nhiều thế kỷ, cùng với đó là các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú với nhiều lễ hội lớn.
Bên cạnh đó, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống giản đơn, hòa mình với thiên nhiên cùng người dân địa phương. Được tự tay làm nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được thỏa sức thưởng thức những sản phẩm từ trái cây rừng. Chính những trải nghiệm ấy sẽ giúp du khách có những nhìn nhận mới về môi trường sống và hiểu hơn những nét văn hóa đặc trưng cùng con người vùng đồi núi này.
Nỗ lực cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc
VQG Núi Chúa cùng Viện Sinh thái học Miền Nam/NTFP-EP VN đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sinh kế cộng đồng địa phương, giúp bà con giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, tiến tới không phụ thuộc vào tài nguyên rừng như:
– Hỗ trợ đào tạo nghề cho con em đồng bào sống trong và xung quanh vùng đệm khu DTSQ;
– Tạo việc làm mới từ hoạt động du lịchở các điểm Hang Rái, Vịnh Vĩnh Hy….như bán hàng, giữ xe.
– VQG Núi Chúa đã tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 111 hộ nghèo trên 7 thôn với diện tích 6.198 ha.
– Đồng thời VQG Núi Chúa cử cán bộ giám sát, hướng dẫn bà con nuôi bò, dê, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và sinh sản,
– Triển khai các mô hình hỗ trợ trồng cây ăn trái có giá trị năng suất cao như bưởi, mít…
– Ngoài ra, KDTSQ Núi Chúa cũng đang tập trung xây dựng hoạt động du lịch ở thôn Cầu Gẫy như: cộng đồng tham gia hướng dẫn viên tour du lịch rừng, thành lập tổ múa Mã la phục vụ du khách.
– Đặc biệt, phối hợp cùng NTFP-EP Việt Nam phục hồi tổ thủ công mỹ nghệ, làm vòng, chuỗi từ hạt cây rừng (hạt bồ đề, hạt cam thảo,….)
Việc công nhận Núi Chúa trở thành Khu DTSQ thế giới không đơn thuần là công nhận giá trị về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc, mà còn tạo tiền đề để tỉnh Ninh Thuận xây dựng mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, kết hợp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế – xã hội và sinh kế của người dân.