Cũng như nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam có rất nhiều khu rừng truyền thống. Các khu rừng này được cộng đồng tự nguyện quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng trên nền kiến thức, văn hoá bản bản địa và luật tục truyền thống một cách bền vững. Chúng được quản trị bằng thiết chế cộng đồng truyền thống, nơi các quyết định được đưa ra bởi những người uy tín trong dòng họ và cộng đồng, như già làng, hội đồng già làng, trưởng bản, thầy mo, thầy cúng thông qua luật tục và hương ước của mỗi cộng đồng. Phương thức quản lý này không chỉ hỗ trợ, đảm bảo sự tham gia rộng rãi và nâng cao tiếng nói của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học mà đồng thời góp phần phát huy và gìn giữ các giá trị truyền thống, tính gắn kết với rừng của các cộng đồng vùng cao.
Tuy nhiên, hiện nay các khu rừng này đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm về diện tích và chất lượng do nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính:
Hệ thống thiết chế truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng địa phương đang dần bị mai một
Thiếu sự thừa nhận, ủng hộ về chính sách, pháp lý và kinh tế cho cộng đồng thực hành phương thức quản trị bằng kiến thức và văn hoá truyền thống.
Chính vì vậy, Dự án GLA2 (Green Livelihoods Alliance) luôn hướng đến sự công nhận chính thức với loại hình rừng truyền thống trong bối cảnh thực thi Luật Lâm nghiệp 2017 và tiến trình sửa đổi Luật đa dạng sinh học. Đồng thời gắn kết và thúc đẩy việc xây dựng các dự án, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của các cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động như:
Nâng cao năng lực và nhận thức cho người dân và cộng đồng
Lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng và các bên có liên quan
Xây dựng các tổ nhóm quản lý hợp tác về rừng và tài nguyên với nòng cốt là các thành viên của cộng đồng
Giao đất gắn với giao rừng cho các cộng đồng
Hỗ trợ các mô hình phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng
Khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ tại các cộng đồng địa phương, đảm bảo bình đẳng giới tại những cộng đồng này
Dự án triển khai , tại 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, và Lâm Đồng với mục tiêu chung là giữ được rừng, không để mất rừng nhưng tạo được sinh kế cho người dân, cho người sống với rừng, giữ rừng bằng những hoạt động sản xuất bền vững, tiên tiến và thông minh, qua đó giảm nhẹ tác động và thích ứng biến đổi khí hậu.