NTFP Việt Nam

DOANH NGHIỆP CỘNG ĐỒNG PƠKAO – NHIỀU THÁCH THỨC NHƯNG ĐẦY TIỀM NĂNG

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm mật ong Pơ Kao, người dân tộc Cil tại Buôn Chiêng Kao (xã Dưng K’nớh, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cũng hình thành ý thức xây dựng doanh nghiệp cộng đồng để phát triển kinh doanh mật ong (CBNE Pơ Kao).

Người dân không những biết cách tận dụng tài nguyên thiên nhiên mà còn biết phát huy những điểm mạnh của vùng đất này, họ có ưu điểm lớn đó là khỏe mạnh, cần cù chịu khó và biết cách khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng có kế hoạch.

Từ những hộ gia đình khó khăn, đầu tiên các thành viên nhóm PơKao là những người dân địa phương với kinh nghiệm khai thác mật ong lâu đời. Họ không chỉ sở hữu tinh thần đoàn kết và nhiệt huyết với công việc chung của nhóm mà còn ý thức làm việc nhóm để phát triển hơn. 

CBNE Pơ Kao với cơ cấu gồm một nhóm trưởng, một nhóm phó và 4 tổ với tổng cộng 37 thành viên. Nhóm đã xây dựng quy trình thu hoạch, sơ chế và đóng gói mật ong. Bên cạnh đó, nhóm đã từng bước xây dựng nguồn ngân sách để đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. 

Mục tiêu của doanh nghiệp cộng đồng: Tăng doanh thu từ sản phẩm mật ong rừng, tăng cường quảng bá thương hiệu, nâng cao đời sống cộng đồng.

Nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của Caritas Đà Lạt và NTFP-EP Việt Nam, doanh nghiệp Pơ Kaoxác định 5 hoạt động chính trong năm 2022

  1. Xây dựng và đầu tư trang thiết bị tiên tiến cho nhà chế biến mật. Đưa vào vận hành vào năm 2023.
  2. Hình thành tổ hợp tác mật ong Pơ Kao
  3. Đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
  4. Đạt chứng nhận nhãn hiệu tập thể cấp châu Á 
  5. Tổ chức buổi họp nhóm lên kế hoạch cho mùa mật.

Bên cạnh đó, cũng có những thách thức mà nhóm phải đối mặt như thiếu kiến thức và kinh nghiệm về quản lý kinh doanh và không biết cách tiếp cận khách hàng mới và vươn tới các thị trường mới, đây cũng là những quan ngại chung mà những cộng đồng khác đã chia sẻ.

Nhận  thấy điều này, NTFP-EP Việt Nam cho rằng người dân cần được nâng cao kiến thức trong việc quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng ngoài tỉnh cũng như góp phần giải quyết những thách thức về thể chế, cơ sở hạ tầng và kiến thức nên đã tiến hành tổ chức các khoá tập huấn về nâng cao năng lực cho nhóm.

Ngoài ra, với nhu cầu và mong ước trong việc củng cố nhóm và làm nhà xưởng, bà con địa phương chịu trách nhiệm duy trì và bảo quản cho việc sản xuất lâu dài. Các hoạt động 3,4,5 được xem là những hoạt động tăng cường trong tương lai nhằm tạo cơ sở pháp lý và tạo niềm tin với khách hàng. 

Thêm vào đó, khi chất lượng mật được nâng cao với giá thành ổn định, nhóm sẽ đi tới hướng hình thành HTX trong tương lai, giúp ổn định thu nhập của người dân ở những cộng đồng khác. Cuối cùng, sự hợp tác và đồng hành của Caritas Đà Lạt và NTFP-EP Việt Nam sẽ là cơ hội và động lực vững vàng giúp nhóm phát triển thương hiệu ngày càng lớn mạnh hơn.

×