NTFP Việt Nam

HỘI THẢO CHIA SẺ KIẾN THỨC SỬ DỤNG LÂM SẢN NGOÀI GỖ

Trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 25 năm thành lập Làng tre Phú An, TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Làng tre Phú An, nguyên giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM) kết hợp với Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam thuộc Viện Sinh thái học Miền Nam tổ chức “Hội thảo chia sẻ kiến thức sử dụng Trevào ngày 10/5/2024.

Ảnh các đại biểu tham gia hội thảo

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã dành gần như cả thanh xuân của mình để nghiên cứu về cây tre. Bà cùng các cộng sự sáng lập ra Làng tre Phú An (Bình Dương) để làm nơi nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen Tre của Việt Nam và Đông Nam Á. Bà cùng các cộng sự cũng có nhiều nghiên cứu về việc ứng dụng tre trong chữa bệnh, xử lý nước thải, cải thiện đất, … và góp phần phát triển cộng đồng theo hướng tìm đầu ra sinh lợi cho người trồng tre.

Bà Diệp Thị Mỹ Hạnh – Giảng viên

Đến tham dự hội thảo có sự tham dự của hơn 20 đại biểu đến từ 06 cộng đồng thuộc các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Gia lai, Kon Tum và 20 sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Các tham dự viên được tham quan và tìm hiểu về hơn 200 giống tre tại làng tre Phú An; nâng cao hiểu biết về giá trị của cây tre trong nông nghiệp, môi trường, kinh tế và văn hoá; Chia sẻ kinh nghiệm trồng và khai thác cây tre hiệu quả; Hiểu được Lợi ích của than tre trong nông nghiệp; Chia sẻ kinh nghiệm gìn giữ nghề đan lát truyền thống và học nghề đan lát các vật dụng tại làng tre Phú An.
Thông qua Hội thảo các đại biểu tham dự có sự trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm bằng nhiều hình thức như thảo luận nhóm, xác định vấn đề – thách thức tại địa phương về bảo tồn tre, phát triển lâm sản ngoài gỗ và thích ứng BĐKH, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp thực tiễn. Trong chương trình hội thảo các đại biểu cũng đã có dịp trải nghiệm, tham quan thực tế, tại Làng tre Phú An. Các hoạt động này đã giúp các đại biểu hiểu hơn về các giá trị của cây tre và tầm quan trọng của việc bảo tồn ĐDSH.
Kết thúc Hội thảo bà Trương Thị Bích Quân – Điều phối NTFP-EP Việt Nam đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm, sự nhiệt thành của Giảng viên, các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cộng với những nỗ lực tuyệt vời của các cộng đồng đến từ các tỉnh. Cộng đồng có thể chung tay cùng TS Diệp Thị Mỹ Hạnh mở rộng con đường tre Việt Nam, cũng như ứng dụng các kiến thức mới trong phát triển sản phẩm từ tre, gìn giữ hồn tre trong nghề đan lát góp phần phát triển sinh kế bền vững.

Hình ảnh cộng đồng chia sẻ văn hoá địa phương

Nguyễn Thị Thuỷ

×