NGHỀ LÀM CỎ BÀNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI KHMER Ở KIÊN GIANG
Nghề đan cỏ bàng đã có từ nhiều năm qua ở xã Phú Mỹ (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Nghề đan cỏ bàng không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn tạo nên một nét đẹp văn hoá mang tính chất vùng miền địa phương. Việc bảo tồn cây cỏ bàng góp phần gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học đồng thời giúp người dân ổn định thu nhập từ nghề truyền thống này.
Đồng cỏ bàng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế của người dân ở xã Phú Mỹ, Giang Thành, Kiên Giang. Với đất đai bị nhiễm phèn và mặn người dân Khmer đã tìm cách biến cỏ bàng thành một nguồn thu nhập đáng kể thông qua sản xuất các sản phẩm và mỹ nghệ sinh hoạt.
Công việc đan lát sản phẩm từ cỏ bàng là một công việc tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, rất thích hợp cho các chị em phụ nữ tham gia kiếm thêm thu nhập ngoài giờ đồng án. Hơn nữa người dân địa phương ở đây đã khá thành thạo nghề.
Các sản phẩm được làm ra bao gồm giỏ, nón, dép, túi xách, đồ gia dụng và hàng lưu niệm,..Với đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân làng nghề đã tạo ra những sản phẩm với những đường nét hoa văn tinh tế, rất tinh xảo và mang tính đặc trưng của đồng quê chân chất. Cỏ bàng cho thu hoạch quanh năm, nhiều nhất thường là vào tháng 11 đến tháng 3 năm sau, cỏ Bàng đúng tiêu chuẩn cao từ 1,2 – 1,5 m sẽ được người dân địa phương thu hoạch bằng cách nhổ tay, không khai thác bằng phương thức cắt toàn bộ cụm (vì cắt toàn bộ cụm chỉ dùng 1 ít cọng cỏ lớn, còn cọng ngắn bị loại bỏ không dùng được). Những cọng cỏ Bàng chưa đủ kích thước sẽ được tiếp tục dưỡng để thu hoạch cho mùa sau.
Nhưng trải qua thời gian dài thì làng nghề này cũng dần bị mai một bởi không đáp ứng được cung cầu của thị trường, nên từ những cách làm cá thể riêng biệt nay làng nghề cũng được chuyển hóa theo hình thức các mô hình như Hợp tác xã, Tổ hợp tác. Hiện thu nhập bình quân của thành viên trong từ nghề này là 3-5 triệu đồng/tháng.
Làng nghề cỏ bàng truyền thống không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho mỗi người dân mà còn tạo nên nét đẹp văn hóa. Các thành viên trong nhóm đã chủ động truyền nghề lại cho thế hệ trẻ nhằm lưu giữ để không bị mai một và ngày càng phát triển hơn. Người dân trên địa bàn xã Phú Mỹ mong muốn những sản phẩm họ làm ra được nhiều người biết đến, sử dụng rộng khắp, đặc biệt với điều kiện xã hội phát triển hiện nay thì giỏ bàng luôn là sản phẩm thân thiện đảm bảo môi trường, nguyên liệu tự phân hủy hoàn toàn thay thế cho túi nilon.
Đây là các sản phẩm thân thiện với môi trường, có tiềm năng phát triển rất cao. Hiện tại, NTFP-EP đang tài trợ cho Tổ hợp tác Cỏ Bàng Giang Thành (Giang Thanh Lepironia Group) ở ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang thực hiện bảo tồn, phát huy làng nghề cỏ bàng truyền thống góp phần giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn./.