NTFP Việt Nam

NỖ LỰC VẼ NÊN CON ĐƯỜNG THƯƠNG MẠI KỸ THUẬT SỐ CHO CỘNG ĐỒNG MIỀN NÚI

Công nghệ số đã và đang có mặt trong hầu hết các lĩnh vực. Nó có tác động rất lớn trong việc kết nối liên lạc và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, ở các vùng sâu vùng xa, công nghệ số còn hạn chế. 

Nắm bắt được khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khi tiếp cận công nghệ thông tin, NTEP-EP Việt Nam đã tổ chức khóa tập huấn “Tiếp thị kỹ thuật số” nhằm tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

Khóa tập huấn được tổ chức trực tuyến trên nền tảng Zoom Online cho các cộng đồng sống tại vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn và khu dự trữ thiên nhiên thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, KonTum,…

Giảng viên trong khóa tập huấn đến từ trường Đại học Tài chính – Marketing hoặcchủ doanh nghiệpcó nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực Digital Marketing tại những tập đoàn toàn cầu. Thông qua khóa tập huấn này, 10 học viên là đại diện cho cộng đồng đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự quảng bá các sản phẩm của cộng đồng trên nền tảng Facebook hay website. 

Các chuyên gia không chỉ cung cấp cho học viên các kiến thức chung về marketing sản phẩm mà còn tận tình hướng dẫn thực hành các kỹ năng như: chụp ảnh sản phẩm, chỉnh sửa và dựng phim bằng phần mềm trên điện thoại di động, viết đa dạng nội dung quảng cáo và đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok…

Kết thúc khóa tập huấn, các học viên có thể tạo ra các sản phẩm truyền thông hấp dẫn và làm chủ kênh quảng cáo của cộng đồng. Đơn cử như:

Chị Hương – thành viên nhóm Oh Mi Koho, thương hiệu cà phê hữu cơ thuộc xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Tuy có smartphone nhưng tôi không biết hết các chức năng của nó. Nhờ các thầy cô chỉ dạy tận tình, giờ tôi đã có thể quay phim, chụp ảnh được sắc nét hơn nhiều so với trước đây. Ngày xưa không biết nên đặt góc chụp ra sao, cao hay thấp. Qua lớp tập huấn này, tôi đã học được nhiều thứ, hiểu được nhiều vấn đề hơn và có thể áp dụng ngay. Tôi mong muốn được học thêm nữa để có thể phát triển thương hiệu cà phê OhMi Koho tốt hơn, tiếp cận thêm nhiều khách hàng trong tương lai.”

Sau khi khóa học kết thúc, chị Trang – nhóm Mộc Tâm áp dụng kiến thức đã học để tìm kiếm thị trường trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chị cũng đã khai thác tối đa tính hữu dụng của điện thoại thông minh để livestream trực tiếp, tiếp thị và bán sản phẩm trên mạng.

Chị Vân Anh – nhóm Sông Phan có thể tự thiết kế logo, nhãn mới cho sản phẩm mật ong rừng. Ngoài ra, một câu chuyện hấp dẫn về thương hiệu cũng được xây dựng góp phần tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm.

Không chỉ học viên, các giảng viên cũng hoà hứng không kém:

Giảng viên Nguyễn Thùy Khanh, giám đốc Công ty Ka Content Digital Marketing, giảng viên hướng dẫn cách viết nội dung trên đa nền tảng đã có 6 buổi trao đổi, chia sẻ với cộng đồng. Chị Khanh cho biết, ban đầu dự kiến phần bài giảng của chị gói gọn trong 3 buổi nhưng sau khi thấy sự hào hứng và quan tâm của mọi người nên chị đã mở rộng thêm gấp đôi thời lượng để có thể giải đáp thắc mắc của học viên. 

“Sau khóa học, nhiều học viên đã nhắn tin và chia sẻ với tôi những bài viết tâm đắc của họ trên Facebook cũng như cập nhật tình hình kinh doanh khởi sắc, điều này khiến tôi rất trân trọng và cảm động vì đồng bào DTTS đang từng bước tự làm chủ và thay đổi cuộc sống của mình” – chị Khanh chia sẻ.

Giảng viên Nguyễn Đông Triều, trường đại học Tài chính – Marketing chia sẻ: Sau khóa học, học viên biết cách thiết kế logo, nhãn hiệu hay định giá cho sản phẩm. Trong đó có nhiều logo rất đẹp và ấn tượng. Tôi nhận thấy các bạn rất ham học hỏi và sáng tạo trong việc kết hợp giữa nét văn hoá truyền thống với hiện đại. Hy vọng, sản phẩm của cộng đồng sẽ được nhiều khách hàng lựa chọn và yêu thích.

Ngày nay, khách hàng có thể mua cà phê, mật ong, dầu gội, sữa tắm thảo dược, và các sản phẩm LSNG khác từ các trang web, Facebook, Zalo,… đã được thành lập bởi các doanh nghiệp cộng đồng. Và cộng đồng không phải vất vả mang hàng ra chợ hoặc phụ thuộc vào thương lái như trước.

“Làm giàu” cho nông dân là giúp cho người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của họ  Giúp doanh nghiệp cộng đồng tối ưu cách thức sản xuất tiết kiệm nhất để đạt giá thành hợp lý mà vẫn đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, ngoài việc trang bị cho người nông dân kỹ năng sản xuất thì việc thay đổi cách thức kinh doanh, phát triển thương hiệu cũng không kém phần quan trọng.

×