Với xu hướng tiêu dùng xanh, sản phẩm làm từ cây tre ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, do khả năng tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm còn yếu, người nông dân chưa thể phát huy hết giá trị của cây tre.
Nguồn nguyên liệu quan trọng
Cây tre đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế nước nhà. Theo thống kê của Bộ Công Thương, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre trị giá khoảng 300 – 400 triệu USD, trong đó, thị trường xuất khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, cây tre là nguồn nguyên liệu phục vụ cho trên 600 làng nghề mây tre đan, đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của nông dân địa phương, góp phần hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Đối với hệ sinh thái, tre có tác dụng giữ nước, bảo vệ đất dốc, ngăn chặn xói mòn đất, giảm tác hại lũ lụt, vỡ đê, góp phần giảm tác động biến đổi khí hậu.
Những sản phẩm làm từ tre được đánh giá thân thiện với người dùng và môi trường, đồng thời có độ bền cao và giá cả hợp lý. Do vậy tre đuợc sử dụng rộng rãi để làm nguyên liệu sản xuất đũa, tăm, giấy, giỏ, đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ… không chỉ giúp ích trong đời sống hàng ngày và gia tăng lợi nhuận kinh tế khi xuất khẩu.
Những thách thức đối với ngành tre nứa Việt Nam
Tuy nhiên, do khai thác tràn lan và không tái tạo, cây tre dần trở nên khan hiếm, giá mua nguyên liệu ngày càng tăng, chi phí vận chuyển cao, ảnh hưởng nhiều tới cạnh tranh trong xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Việc cải tiến mẫu mã các sản phẩm từ cây tre vẫn chưa đáp ứng được thị hiếu. Không những vậy, nguồn nhân lực lành nghề cũng giảm mạnh khi người dân trồng tre gặp nhiều áp lực bởi có nhiều cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: cây ăn quả, cây lấy gỗ,….
Trên thực tế, quy mô sản xuất sản phẩm từ cây tre khá manh mún. Số doanh nghiệp lớn chuyên chế biến các sản phẩm từ cây tre chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào các làng nghề mây tre đan trong nước nhưng đa phần là các hộ cá thể, nhỏ lẻ.
Cùng đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tre còn yếu và thiếu thông tin thị trường cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Ở các vùng nông thôn, người dân ít có cơ hội tiếp cận với những mặt hàng mới cũng như hiểu biết tiêu dùng mới, trong khi các doanh nghiệp lại ít có kinh nghiệm tìm hiểu thị trường nước ngoài cũng như hiểu biết nhu cầu thị trường, cách tiếp cận với các đối tác nước ngoài.
Đặc biệt hơn, việc thiếu một tiêu chuẩn và hành trang pháp lý riêng cho việc trồng, chế biến và sử dụng nguyên liệu tre cũng được xem là rào cản lớn khiến ngành nghề tre chưa thể phát huy được hết tiềm năng vốn có.
Mở rộng tiềm năng phát triển các sản phẩm từ cây tre
Trước những thách thức mà ngành tre gặp phải, tổ chức NTFP-EP đã đang xây dựng hướng dẫn khai thác bền vững cho tre. Ngoài ra, NTFP-EP Việt Nam đồng hành cùng cộng đồng để cải thiện sản phẩm và mở rộng thị trường với mục đích tạo dựng sinh kế, cung cấp kiến thức quản lý cũng như đóng góp bảo tồn rừng cho người bản địa.
NTFP-EP Việt Nam giúp đẩy mạnh mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ những sản phẩm làm từ tre thông qua việc tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với máy móc, công nghệ tiên tiến cũng như trang bị kiến thức phát triển sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Đồng thời, nhằm cải thiện kiến thức cho người dân địa phương, NTFP-EP Việt Nam tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyên sâu về, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội, giúp bà con dễ dàng tiếp cận đến người tiêu dùng.
Đánh giá cơ hội tiềm năng của các sản phẩm làm từ tre đối với thị trường trong nước và nước ngoài, tổ chức NTFP-EP Việt Nam hỗ trợ người dân địa phương khai thác và sản xuất các sản phẩm đan lát tre một cách tối ưu, giúp gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ gia đình.