NTFP Việt Nam

QUẢ ƯƠI “LỘC RỪNG” BAY KHẮP MỌI MIỀN

Mang lại giá trị kinh tế và sức khỏe cao nên quả ươi từ lâu được săn lùng khắp nơi dẫn tới tình trạng rừng ươi giảm đáng kể. Cây ươi cần sự quan tâm, chung tay bảo vệ để bảo tồn và khai thác lâu dài.

Vào rừng nhặt quả ươi bay

Trời vừa hửng sáng, vợ chồng anh Đinh Văn Thể đã đến khu rừng nguyên sinh giáp ranh giữa huyện Sơn Tây và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Đứng từ xa vẫn dễ dàng nhận ra những cây ươi cao vút, lá chuyển màu vàng, đỏ nổi bật giữa thảm rừng nguyên sinh. Mỗi khi gió thổi mạnh, hạt ươi già mang theo cuống khô lìa cành xoay theo gió trông thật mãn nhãn. Hạt ươi rơi khắp một vùng, thậm chí còn vướng trên tán cây xung quanh.

Anh Thể say sưa kể về loài cây đặc biệt này. Hạt ươi được thu hoạch lúc chín, thông thường là từ tháng 6 – tháng 8. Mấy chục năm trước, cha mẹ anh đã vào rừng nhặt hạt ươi về pha nước uống tốt cho sức khỏe. Hồi đó, cây ươi còn rất nhiều. Ngày nay, hạt ươi có giá trị cao và mang lại thu nhập khá cho người dân vùng cao. Gia đình anh Thể có những ngày thu được 4kg, thương lái mua 220.000 ngàn đồng/kg. 

Quả ươi có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, kháng khuẩn, nhuận tràng, cầm máu, hỗ trợ chữa viêm họng, ho đờm, táo bón, nóng trong người, gai cột sống nên được dùng làm dược liệu chữa bệnh, được xem là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền. 

Cây ươi phân bổ rải rác ở các khu rừng rậm nhiệt đới có độ cao dưới 1.000m, quần tụ ở những sườn núi cao. Cây ươi được tìm thấy nhiều nhất ở các tỉnh từ miền Trung đổ vào phía Nam như Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai…Cây ươi phải mất 15 – 20 năm tuổi mới ra quả và cứ 4-7 năm mới cho ra trái một lần. 

Việc thu hoạch ươi không đơn giản. Người dân phải đi từ sáng sớm đến gần tối mới ra khỏi rừng. Việc leo trèo lên cây ươi khá cực nhọc, nguy hiểm khiến nhiều người đã gặp tai nạn khi trèo ươi. Vì vậy, người chọn thu hoạch theo kiểu tận diệt như chặt cây, mé cành. Sau khi vặt hết trái, cây ươi bị bỏ nằm héo khô. Cứ thế, rừng ươi bị tiêu diệt gần như toàn bộ.

NTFP-EP Việt Nam chung tay bảo vệ “lộc rừng”

Quả ươi có giá trị kinh tế và nhiều công dụng cho sức khỏe con người dẫn tới tình trạng khai thác bừa bãi, dẫn đến tận diệt. Công tác bảo vệ, chống chặt phá cây ươi để hái quả đang được các địa phương triển khai nghiêm ngặt.

Những người vào rừng chỉ được thu nhặt những quả ươi bay, không được tác động đến cây ươi. Người khai thác quả ươi phải được chính quyền địa phương, chủ rừng cấp phép theo quy định. 

Song song với công tác bảo vệ, tổ chức NTFP-EP Việt Nam tiến hành nhiều cuộc khảo sát thực địa, chia sẻ và nâng cao nhận thức người dân địa phương trong việc bảo vệ rừng, ngăn chặn đối tượng tận diệt cũng như bảo vệ PCCC rừng trong mùa nắng nóng.

Đồng thời, nhằm cải thiện kiến thức cho người dân địa phương, NTFP-EP Việt Nam tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyên sâu về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội, giúp bà con dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, cách khai thác bền vững hạn chế tình trạng người dân chặt cả cây để thu hoạch quả. Từ đó, người dân bản địa có thể trực tiếp khai thác, kinh doanh các sản phẩm quả ươi mà không cần qua thương lái, tránh tình trạng ép giá, đội giá.

Đánh giá cơ hội tiềm năng của quả ươi đối với thị trường trong nước và nước ngoài, NTFP-EP Việt Nam hỗ trợ người dân địa phương khai thác và sản xuất các sản phẩm từ quả ươi một cách tối ưu, giúp gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho hộ gia đình.

×