SINH KẾ BỀN VỮNG MANG LẠI CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP CHO TRẺ EM Ở VÙNG CAO
Để tương lai trẻ em vùng cao có vững vàng cần thay đổi môi trường xung quanh, tạo sinh kế bền vững cho gia đình các em. Điều này đang được chứng minh qua câu chuyện của nhiều gia đình khó khăn tại tỉnh Đắk Lắk được cải thiện nhờ Dự án phát triển sinh kế bền vững do Mộc Tâm thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ Việt Nam.
Giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em
Sinh ra và lớn lên nơi xung quanh là núi rừng, những tưởng cuộc đời của trẻ em vùng cao sẽ chỉ quẩn quanh với nương rẫy, gác bếp và lấm lem mưu sinh,… nhưng ẩn sâu bên trong mỗi đôi mắt sáng ấy lại là khát khao thoát nghèo, là sự hiếu học, là ước mong được trở thành cô giáo, bác sĩ, đầu bếp giỏi… và ước mơ giúp đỡ cho chính bản làng quê hương mình.
Gia đình chị Y Bin Mlô (buôn H Đơk, xã EaKao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) ở cùng hai ông bà ngoại và có 3 đứa con. Người Êđê vẫn sống theo chế độ mẫu hệ, dù hiện tại đã thay đổi nhiều nhưng vẫn giữ tập tục cha mẹ ở cùng con gái để con gái chăm sóc. 7 miệng ăn phụ thuộc vào một mình chị.
Cùng cảnh với gia đình chị Y Bin Mlô, chị H Phuc Ê Ban (buôn H Đơk, xã EaKao, TP. Buôn Ma Thuột) cũng một mình quán xuyến, chăm lo chuyện gia đình. Nhà chị thuộc diện gia đình khó khăn, chị làm vất vả, chạy vạy khắp nơi nhưng không có đủ tiền cho con đi học, 3 con chị phải nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ. Các chị đều mong muốn tương lai con em mình vững vàng hơn, các con được đi học cái chữ nhưng làm lụng vất vả tối ngày mà không đủ ăn, giấc mơ ấy cứ thế dần xa.
Bé Moan 8 tuổi học sinh của cô giáo Trang bảo rằng “Hôm nào sau giờ học em cũng lên rừng với bố mẹ, hôm thì lấy củi, hôm thì cuốc đất, đào sắn, hái rau, bẻ bắp, chăn trâu”. Khi được hỏi về mơ ước, Moan ngại ngùng: “Em thích làm cô giáo, giống cô giáo của chúng em. Cô giáo thường nói với chúng em, học giỏi sẽ được xuống thành phố chơi, được đi sở thú, đi nhà banh…”.
Những trường hợp như gia đình chị Y Bin Mlô, chị H Phuc Ê Ban không phải hiếm. Người dân vùng xâu vùng xa, bà con dân tộc thiểu số vẫn đang loay hoay xóa nghèo. Để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chính phủ và các tổ chức xác định cần một hướng đi mới, một tâm điểm mới – trẻ em.
Những giải pháp đưa ra để phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo bao bọc gia đình các em. Nếu không nỗ lực giảm nghèo ở trẻ em, không giải quyết những thiếu thốn mà các em đang phải đối mặt thì khó có thể chấm dứt tình trạng đói nghèo truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hiểu được điều này, Chương trình Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam (viết tắt là NTFP-EP Việt Nam) đã đồng hành cùng nhóm Mộc Tâm mở rộng quy mô, thu mua nguồn nguyên liệu từ vườn nhà cũng như hướng dẫn trồng và sử dụng tạo ra sinh kế trong tương lai cho cộng đồng tại Đắk Lắk.
Thương hiệu Thảo dược Thiên nhiên Mộc Tâm được một nhóm phụ nữ trẻ Đắk Lắk xây dựng từ ý tưởng tận dụng những nguyên liệu thiên nhiên sẵn có trong vườn nhà để làm sạch quần áo, đồ đạc của người Êđê. Không chỉ tái sử dụng nguồn vỏ thải mà còn khai thác được những loại cây dại đặc trưng của địa phương làm nguyên liệu từ đó tạo sinh kế cho phụ nữ nói riêng và các gia đình địa phương nói chung.
Tương lai từ lâm sản ngoài gỗ
Qua những công việc đơn giản thường ngày các em vẫn làm như thu vỏ dứa, mắt dứa, vỏ cam, các loại lá cây vườn nhà như hương nhu, tía tô, hoa đu đủ, trầu không, mần trầu…, các em vừa có thể giúp đỡ gia đình, vừa tránh khỏi những cám dỗ không tốt xung quanh.
Ngoài việc hỗ trợ thu mua nguyên liệu, Mộc Tâm cùng NTFP-EP Việt Nam tổ chức hai lần tới buôn Drung (Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk) chia sẻ tới phụ nữ và trẻ em về giá trị cây bồ hòn, hướng dẫn trồng, sử dụng để tạo ra sinh kế trong tương lai. Hoạt động từ tháng 6 – 8/2022 đã thu hút hơn 200 người trong đó có 70 trẻ em, 80 phụ nữ người M Nông tham gia.
Mộc Tâm cũng giúp đỡ 20 hộ dân tạo sinh kế bằng cách thu mua nguyên liệu và giúp đỡ cây giống có giá trị, hướng dẫn trồng bồ hòn, dã quỳ làm vùng nguyên liệu để khai thác. Từ khi biết tới Mộc Tâm và được tạo điều kiện phát triển sinh kế, chị Y Bin Mlô đã đỡ một phần áp lực, có tiền trang trải sinh hoạt phí và cho con đi học. 3 đứa con của chị H Phuc Ê Ban đã được đi học.
Không những vậy, thông qua các chương trình chia sẻ, hướng dẫn khai thác và làm giàu từ lâm sản ngoài gỗ, các em có thêm cơ hội học hỏi kỹ năng mềm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp với bạn bè, gieo khát vọng vươn lên thoát nghèo trong các em. Ngoài ra, các hoạt động tập thể cũng giúp các em hạn chế tiếp xúc, lôi kéo từ nhóm người xấu.
Trong tương lai, Mộc Tâm sẽ tiếp tục mở lớp dạy bà con và học sinh làm xà bông dã quỳ từ vùng nguyên liệu của bà con, chung tay phát triển du lịch địa phương gắn liền với sản phẩm đặc trưng.
Sự phối hợp giữa NTFP-EP Việt Nam cùng thương hiệu Mộc Tâm góp phần lan tỏa giá trị tích cực cho cộng đồng, kết nối sản phẩm “xanh – lành” tới nhóm khách hàng có nhu cầu. Đồng thời, gia tăng sinh kế cho người dân địa phương, người dân sinh sống gần rừng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em.