VỊ THUỐC QUÝ TỪ CHUỐI HỘT RỪNG
Xen lẫn trong rừng cây bạt ngàn của vùng núi cao Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung, có loài cây mọc hoang dại nhưng rất bổ dưỡng mang tên gọi chuối hột rừng
Chuốt hột rừng – Bài thuốc dân gian chữa nhiều bệnh
Được mệnh danh là thủy tổ loài chuối, chuối hột rừng có thân cao 3-4m với phiến lá dài và hoa chuối màu đỏ thẫm, mọc thẳng đứng giữa những nải chuối vàng khiến cho chúng trở nên khác biệt hơn so với các giống cây chuối nhà trồng. Đặc biệt, buồng chuối hột rừng thường gồm trên dưới 10 nải, quả có viền và nhiều hạt to từ 4 – 5 mm. Khi chín, quả thường chuyển sang màu vàng sẫm hoặc tím.
Từ lâu, người dân địa phương đã biết sử dụng chuối hột rừng như một “thần dược”. Toàn thân cây chuối hột rừng đều có thể được chế biến thành những phương thuốc dân gian giúp chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Trái chuối hột rừng có tác dụng chữa bệnh tiểu đường, viêm thận, tăng huyết áp trong khi nước từ thân cây sẽ giúp hạ đường huyết tự nhiên với người bị bệnh tiểu đường.
Một trong những bài thuốc hay được người dân tộc rỉ tai nhau chính là dùng chuối hột rừng để ngâm rượu giúp điều trị bệnh đau lưng nhức mỏi. Để có được thứ thuốc vừa ngon vừa bổ này, họ cần xắt mỏng, phơi khô rồi ngâm chuối với rượu cao độ cho đến khi cho ra một loại rượu có màu vàng tươi, giống màu rượu ngoại mới hẳn đem ra sử dụng.
Ngoài ra, hoa chuối với vị hơi chát và ngon ngọt cũng được tận dụng làm thuốc trị bệnh các bệnh liên quan hệ bài tiết cũng như bổ sung chất xơ thay cho các loại rau khác. Chính những tác dụng tích cực đến sức khỏe đã biến hoa chuối trở thành một trong những sản phẩm khuyến khích những phụ nữ mới sinh con đang trong tình trạng thiếu sữa nên dùng.
Không chỉ dừng lại ở vị thuốc quý, chuối hột rừng còn là nguồn củng cố thu nhập của nhiều gia đình địa phương. Cứ mỗi khi việc nông rảnh rỗi, người dân lại mang giỏ đi dọc các khe, suối để hái chuối hột rừng đem về bán.
Tuy được biết đến là sản phẩm nhiều tiềm năng, việc thu hoạch chuối hột rừng mang lại không ít trắc trở. Vì loại chuối này thường chỉ mọc hoang ở trong rừng, núi cao nên việc vận chuyển xuống khu vực buôn bán khá cực nhọc, nhất là khi số lượng mang vác có khi lên đến 40 kí/ lần/ ngày. Ngoài ra, việc săn chuối hột rừng rất bấp bênh khi loài cây này phụ thuộc vào thời tiết. Vào mùa nắng, chuối mọc nhiều nhưng cứ bước sang mùa mưa, số lượng chuối ít đi khiến việc thu hoạch trở nên khó khăn hơn.
Trước những thách thức như vậy, việc đưa chuối hột rừng vào sản xuất là vấn đề đòi hỏi kỹ thuật cao và tinh thần chịu thương chịu khó. Nhiều mô hình sản xuất chuối hột được triển khai ở nhiều nơi và trong số đó, mô hình của Nguyễn Thị Âu ở Bình Thuận được xem là tiêu biểu.
Mô hình phát triển cho vị thuốc quý
Một ngày chị mua khoảng vài tạ chuối hột, đa số là của người đồng bào K’ho và Rai thu hái. Ngoài ra, để giúp đỡ đồng bào có thêm thu nhập chị còn thu mua các loại sản phẩm khác từ rừng như ươi, nấm, sâm sau, măng, mat ong..
Song song với sản phẩm bản địa là chuối hột rừng chị đồng thời phát triển chuối mồ côi. Là vùng đất đầy nắng và gió, việc tìm thấy loài chuối mồ côi hoang dại ở khu vực Bình Thuận là không dễ. Chuối mồ côi được phân bố chủ yếu ở vùng Gia Lai và Ninh Thuận nhưng ở đây, người ta chỉ lấy hạt chứ không lấy trái, một phần vì trái phơi lâu, phải mất 20 nắng, một phần vì gọt chuối cũng rất khó khi phải gọt sống, trong khi chuối hột lột 1 ngày được hơn 2 tạ thì chuối mồ côi chỉ có thể lột được 50 kí/ngày. Do vậy, chị Âu phải lấy hàng ở Di Linh chuyển xuống mới có sản phẩm còn nguyên quả.
Để sản phẩm được bảo quản một cách toàn vẹn nhất, chị Âu đầu tư những lò sấy trong mô hình sản xuất chuối của mình. Như vậy, sau khi phơi chuối được 4 nắng, chị lại cho vào lò sấy để tránh tình trạng mối mọt. Chuối hột rừng sau khi được chế biến sẽ được đóng gói và đưa ra thị trường với giá 80,000/ký và chuối cô đơn là 100,000/gói/ký.
Với thị trường đang rộng mở như hiện nay, chị Âu có nhiều mối hàng lớn nhỏ khắp nơi trên cả nước, nhiều nhất là Ninh Bình. Dù việc bỏ mối tốn của chị không ít công sức khi 1 tháng phải bỏ nhiều lần nhưng chị lại không muốn bán trên mạng vì sợ không đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, chị còn bỏ hàng ở các khu du lịch như Cách Mạng Tà Bao, Chùa Tà Kou, Núi Gia Lào, và bán lẻ.
Đợt vừa rồi, có người quen giới thiệu cho một công ty ở Đồng Nai chuyên lấy mối sản phẩm chuối hột rừng nhưng nghĩ tới cảnh không đủ sản phẩm để cung cấp thì chị lại lắc đầu không dám nhận. Cũng có một thời gian bên sỉ mua về dán thương hiệu nhưng chuối là sản phẩm dễ bán nên chị cân nhắc sau này không cần dán thương hiệu nữa.