NTFP Việt Nam

ĐỘC ĐÁO NGHỀ DỆT THỔ CẨM CỦA CỘNG ĐỒNG K’HO Ở ĐƯNG K’NỚ

Là một trong những ngành đã đi vào đời sống văn hóa của người Đưng K’Nớ, nghề dệt thổ cẩm ngày nay đang đứng trước nguy cơ mai một do những ảnh hưởng của đời sống hiện đại, không gian và các dịp sử dụng trang phục thổ cẩm hẹp dần.

Một nét đẹp văn hóa dân tộc

Từ bao đời, các sản phẩm thổ cẩm luôn gắn liền với đời sống văn hóa của người dân K’ho. Trong cưới hỏi, thổ cẩm là một lễ vật quan trọng nhất mà nhà gái phải mang đến nhà trai khi bắt chồng, được xem là minh chứng son sắt cho tình yêu thủy chung của mỗi cặp đôi K’Ho.

Để dệt được một tấm thổ cẩm cần rất nhiều mồ hôi công sức của người dân địa phương khi phải trải qua nhiều công đoạn thủ công. Đầu tiên, các nghệ nhân phải quấn sợi, sau đó giăng sợi trên một chiếc khung sau khi xác định được khổ dệt.Từ khung dệt, nghệ nhân đưa ra ngoài và dùng hai chân cố định tấm vải dệt bằng chiếc Ping pong (thanh tre hình tròn đường kính khoảng 8cm dùng để căng tấm vải dệt). Để dệt nên những sản phẩm thủ công bắt mắt, người dân Đưng K’nớ sử dụng dụng cụ dệt gồm Lồ rmăng và  Bnớ.

Lồ măng là những thanh tre nhỏ thường to bằng ngón tay có chiều dài khoảng 1m để giữ các đường dệt với mục đích tạo hoa văn trang trí theo ý muốn của nghệ nhân trong khi đó Bnớ một miếng gỗ to bản khoảng 10cm nhọn một đầu giúp nghệ nhân có thể linh hoạt luồn sợi vào tấm thổ cẩm đang dệt.

Tay nghề của nghệ nhân sẽ được thể hiện ở những hoa văn, họa tiết trang trí đẹp mắt. Họa tiết thổ cẩm thường đa dạng với nhiều hoa văn đặc trưng và cũng có những hoa văn do nghệ nhân ngẫu hứng sáng tạo ra, dựa trên kinh nghiệm sống, tâm hồn, và những nét văn hóa đặc trưng của người K’Ho trên vùng đất mình sinh sống ngàn đời nay.

Sản phẩm thổ cẩm chủ yếu của đồng bào K’Ho là các tấm ùi với đủ loại kích cỡ tùy theo công dụng để làm váy áo mặc trong các dịp lễ hội, chăn đắp hay vải để địu con… Ngoài ra, để đáp ứng thị hiếu người dùng, đồng bào K’ho còn tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm khác như: các loại túi xách tay, cầm tay lớn nhỏ, túi đựng điện thoại, dây đeo tay… với giá cả thường khá hợp lý để bán cho khách du lịch.

Màu sắc trên thổ cẩm K’Ho khá đơn giản, chủ yếu là các màu chủ đạo và mỗi màu đều gắn với thiên nhiên: màu đỏ, màu vàng tượng trưng cho mặt trời và ánh nắng; màu xanh đậm tượng trưng cho màu của núi rừng. Để tạo nên nhiều màu sắc đặc trưng này, người K’Ho đã sử dụng nhiều loại cây rừng khác nhau để nhuộm.

 Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm trước nguy cơ mai một

Trước đây các làng nghề đã góp vai trò trong việc tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ hiện đại đã tạo nhiều bất lợi cho ngành nghề dệt thổ cẩm. So với các sản phẩm dệt máy, dệt thổ cẩm phải làm bằng thủ công nên chi phí sản xuất cao, giá thành đắt nên không được thị trường ưa chuộng.

Nhiều nghệ nhân bắt đầu bỏ nghề đi tìm công việc khác và lớp trẻ không còn mặn mà với nghề dệt khiến cho nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy ngơ bị mai một. Nhận thấy sự cần thiết trong công cuộc bảo tồn ngành dệt thổ cẩm, chính quyền địa phương đã nỗ lực nghiên cứu, đưa ra biện pháp nhằm duy trì và phát triển ngành nghề lâu đời này.

Trong thời gian qua, xã đã tạo mọi điều kiện để mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con trong thôn có nhu cầu cần học, đồng thời hướng dẫn và tăng cường công tác tuyên truyền đến thế hệ trẻ xã Đưng K’Nớ.

Theo Ông Liêng Hot Ha Mal – Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ cho biết: “Mặc dù đến thời điểm hiện tại, những tấm thổ cẩm được dệt ra chưa tạo được nguồn thu nhập lớn trong gia đình, nhưng đó cũng là cách để người con vùng đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ nghề dệt xưa nay. Đấy cũng chính là lí do mà lớp học dệt thổ cẩm được hình thành”.

Các lớp học dạy dệt nghề thổ cẩm sẽ được chia ra làm các nhóm cho những người chưa biết dệt và những người đã biết dệt theo thứ bậc: dệt phổ thông, dệt hoa văn và cuối cùng là dệt chữ. Ngoài ra, lớp sẽ được diễn ra đều đặn với thời gian biểu thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy hằng tuần, giúp các bạn trẻ địa phương dễ dàng theo học trong khi cân bằng công việc thường ngày. Tính đến nay, lớp dạy nghề dệt thổ cẩm đã thu hút gần 35 học viên đến tham gia với độ tuổi từ 15 đến 40.

Song song với nỗ lực của địa phương, các tổ chức cũng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ, mang giải pháp để bà con bám trụ với nghề. Đơn cử, tổ chức NTFP-EP Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, thực địa, tiếp xúc với đồng bào để hiểu rõ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, từ đó khuyến khích, động viên các hộ gia đình K’ho tiếp nối nghề truyền thống. Ngoài ra, NTFP-EP Việt Nam hỗ trợ quảng bá, lan tỏa hình ảnh sản phẩm bằng việc giới thiệu tại cửa hàng tại trung tâm TP.HCM, giúp các sản phẩm thổ cẩm tiếp cận với thị trường.

Việc “hồi sinh” ngành nghề dệt thổ cẩm không chỉ là cách cải thiện sinh kế cho người dân địa phương mà còn giúp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của người K’ho Lâm Đồng. Do vậy, việc tăng cường công tác tuyên truyền cho thế hệ trẻ và duy trì nghề dệt độc đáo này cần đặc biệt chú trọng.

×