NTFP Việt Nam

GIAO ĐẤT GIAO RỪNG CHO CỘNG ĐỒNG – KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP

Là chủ đề của Hội thảo do Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA), Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao (CEGORN), Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và Oxfam (Lào Cai và KonTum) đã phối hợp  tổ chức vào ngày 27/05/202 tại tỉnh KonTum.

Hội thảo được tài trợ bởi Liên Minh Châu Âu (EU) với sự góp mặt của 64 đại biểu đến từ Bộ tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp, Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục kiểm lâm các tỉnh Kon Tum, Lào Cai; Công ty lâm nghiệp, Hạt kiểm lâm UBND các huyện; Các cơ quan nghiên cứu; Các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) và Các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương.Tại hội thảo này các đại biểu đã được nghe các bài tham luận của các chuyên gia, đại diện các cơ quan tổ chức trình bày về các vấn đề liên quan đến quản lý bảo vệ rừng và giao đất giao rừng hiện nay. Qua các bài tham luận và thảo luận của các đại biểu đã chỉ ra các bất cập còn hiện hữu trong thực tế cũng như trong những văn bản quy phạm pháp luật về việc giao đất, giao rừng, quyền và nghĩa vụ các chủ rừng, công nhận diện tích rừng gắn với văn hoá lâu đời của các dân tộc. Cụ thể các vấn đề đã được đại biểu chỉ ra gồm: Tư cách pháp nhân của cộng đồng chưa có; Không nhất quản trong các văn bản pháp luật về giao đât, giao rừng; Nguồn ngân sách không được phân bổ đầy đủ trong thực hiện giao đất giao rừng và quản lý rừng sau khi được giao….

Từ thực tế cho thấy, để triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu và sử dụng rừng cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân về đất đai theo quy định của pháp luật. Dựa trên kinh nghiệm thực tế trong hoạt động giao đất giao rừng (GĐGR) cho các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) tại các địa phương và Tây Nguyên, TS. Võ Hũng đến từ Đại học Tây Nguyên cho rằng cần có sự phù hợp về quy hoạch sử dụng đất dựa trên truyền thống sử dụng đất của đồng bào DTTS theo hộ, nhóm hộ, cộng đồng…Ngoài ra, việc giao đất lâm nghiệp chỉ được tiến hành khi có sự tham gia của người dân, cộng đồng.

Đồng thuận với ý kiến của TS. Võ Hùng, các đại biểu tham gia cũng cho rằng trong xây dựng, thực thi và giám sát, đánh giá tài nguyên, công tác giao đất giao rừng phải lấy người dân phải là trung tâm, dựa trên nhu cầu, năng lực, nguyện vọng của người dân. Việc giao đất, rừng cho đồng bào phải dựa trên các tiêu chí: công bằng, khả thi, hiệu quả và ổn định lâu dài, góp phần quản lý rừng bền vững và tạo ra sinh kế cho các cộng đồng. Do đó cần có sự tham gia trực tiếp, đầy đủ của đồng bào xuyên suốt tiến trình tổ chức giao rừng, họ sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý tài nguyên rừng được giao. Giao đất lâm nghiệp cũng sẽ từng bước góp phần nâng cao thu nhập và năng lực của các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy xã hội hoá ngành lâm nghiệp. 

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp để thúc đẩy giao đất giao rừng cho cộng đồng. Cụ thể cần đồng nhất trong các văn bản pháp luật đặc biệt cần có sự thống nhất và phối hợp giữa hai ngành Kiểm lâm và Tài nguyên để đảm bảo cho quá trình giao đất, giao rừng cho cộng đồng được thuận lợi. Bên cạnh đó, chỉ tiến hành giao rừng cho các cộng đồng dân cư nơi đủ điều kiện nhận đất, nhận rừng và tổ chức tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, những nơi mà cộng đồng có đời sống kinh tế, xã hội, tâm linh gắn bó với rừng được giao. Sau khi giao đất giao rừng cần có những phương án hỗ trợ phù hợp giúp cộng đồng lập kế hoạch quản lý rừng bền vững trong đó cần tính đến các yếu tố tài chính, tổ chức, qui chế, qui định riêng của cộng đồng và kỹ thuật. Đồng thời cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát và hỗ trợ thường xuyên liên tục đối với các cộng đồng đã nhận đất nhận rừng. Về phía địa phương, cần khuyến khích tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho người dân. Chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cho thuê rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Chủ động rà soát, đánh giá việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng; kiên quyết thu hồi những diện tích rừng sử dụng không hiệu quả để bàn giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng khác quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.

“Giao đất giao rừng là một chủ trương lớn có tính chiến lược trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững dựa vào người dân, cộng đồng của chính phủ Việt Nam.”

×