NTFP Việt Nam

Giao lưu, chia sẻ giữa nông dân với nông dân về Sản xuất nông nghiệp và văn hóa địa phương trên địa bàn xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Được sự cho phép của Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plong và sự đồng thuận của Đảng ủy, UBND xã Đăk Nên, ngày 9/5-12/5/2023, Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI) cùng phối hợp với một số các tổ chức, đơn vị có cùng mối quan tâm đã tổ chức Chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và văn hóa địa phương trên địa bàn xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, nhằm phát huy kết quả bảo vệ rừng cộng đồng với nhiều giống loài bản địa, nhất là rau rừng, vốn có ý nghĩa trong sản xuất nông nghiệp và văn hóa địa phương.

Đoàn chụp ảnh kỉ niệm tại hội trường UBND xã Đăk Nên

Tham gia Chương trình có sự góp mặt của các đại biểu đến từ các tổ chức Caritas Đà Lạt, Caritas Long Xuyên, CSDM, Cephad, NTFP-EP Việt Nam/Viện Sinh thái học Miền Nam, các chuyên gia, cán bộ địa phương, các già làng, trưởng thôn, lực lượng nòng cốt và bà con nông dân tại xã Đăk Nên, cùng các nông dân là đồng bào thiểu số đến từ các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Bình,…

Hội thảo này là một không gian để trình bày và quảng bá mô hình nông nghiệp sinh thái, cũng như cho phép các nông dân trao đổi kinh nghiệm với nhau. Đây cũng là cơ hội tốt để nông dân  Đăk Nên giới thiệu công việc và sản phẩm của mình với các biểu.

Đoàn đại biểu chụp hình kỉ niệm cùng cán bộ địa phương

Hội thảo cũng là dịp để lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, tạo một mạng lưới để các cá nhân khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp sinh thái cùng chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi, kết nối bà con nông dân với nhau, là cơ hội để các thành viên tham dự có thể chia sẻ kinh nghiệm về những thành công của các mô hình sản xuất nông nghiệp và phương pháp canh tác thích ứng với những biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng góp phần củng cố kiến thức và nhận thức của mọi người về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và những ảnh hưởng của nó đến đời sống con người, đến đa dạng sinh học, thói quen canh tác và xu hướng thị trường.

Tại hội thảo, các thành viên tham dự được lắng nghe ý kiến từ những kinh nghiệm về văn hoá sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm mang lại hiệu quả và năng suất cao cho sản phẩm. Rất nhiều sáng kiến nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi đã được đưa ra, trong đó việc sản xuất theo nhu cầu được đông đảo đại biểu ủng hộ. 

Cộng đồng Ninh Thuận và KonTum trong buổi chia sẻ hạt giống

Thực hành nông nghiệp sinh thái phải gắn với sự hiệu quả về kinh tế, đồng thời trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp bền vững  cần có sự liên kết chặt chẽ và tác động mang tính xây dựng, tương trợ giữa các chủ thể trong khu vực. Những mục tiêu cần được ưu tiên đó là phải đảm bảo an ninh lương thực, tạo thu nhập bền vững, nâng cao năng lực cho các hộ gia đình để thích ứng với biến đổi khí hậu và các rủi ro khác. Đó cũng chính là những mục tiêu chính mà NTFP_EP Việt Nam đang hướng đến.

Ngoài trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, các đơn vị còn mang đến và chia sẻ, trao đổi rất nhiều các giống, hạt giống cây nông nghiệp bản địa quý báu từ rất nhiều tỉnh thành. Các giống rau, củ quả bản địa rất phong phú, đây là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá, cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cao, góp phần nâng cao thể trạng và sức khỏe con người. Nếu được chăm sóc và nhân rộng trên địa bàn, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng thực phẩm, có thể phát triển ẩm thực du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế, đó là vấn đề chúng ta cần hướng tới.

Các món ăn truyền thống của đồng bào Ka Dông xã Đăk Nên

Trong thời gian thực địa tại địa phương, đoàn đã có những buổi công tác thăm rừng, rẫy, tham quan các mô hình sinh thái ở thôn Tu Rét, Tu Thôn và Đăk Lai xã Đắk Nên.

Đoàn đại biểu đi thăm quan ruộng lúa ở Tu Thôn

Già làng thôn Tu Rét diện làng đã chia sẻ về lịch sử hình thành làng; các kinh nghiệm canh tác, bên cạnh đó có việc lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, cách thức quản lý, chia sẻ lợi ích của các hộ dân trong làng, cách thức tổ chức hiệu quả mô hình làng văn hóa.

Già làng thôn Tu Rét giới thiệu văn hoá cộng đồng 

Đoàn đại biểu đi tham quan tại Đăk Glei

Khoá học có thể mang đến nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho các thành viên tham dự, những thông tin hữu ích về văn hoá canh tác nông nghiệp hữu cơ từ đó có thể đưa ra giải pháp phù hợp với địa phương mình nhằm sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững hơn. 

Anh Chamalea Phượng – cộng đồng Ninh Thuận chia sẻ

Đại diện UBND xã Đăk Nên cũng gửi lời cảm ơn đến tất cả các đơn vị, tổ chức và sự đồng thuận của chính quyền cấp Huyện, các cơ quan đoàn thể cấp xã và những tri thức chia sẻ của nhiều bà con nồng cốt trên địa bàn xã Đăk Nên./.

×