NTFP Việt Nam

GÌN GIỮ, BẢO VỆ VÀ GẮN BÓ VỚI RỪNG NHƯ NGƯỜI CƠ TU

“Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất người Cơ Tu suy vong”, đây là tâm niệm mà mỗi đồng bào Cơ Tu luôn khắc ghi và lưu truyền từ bao thế hệ.

Người Cơ Tu sinh sống chủ yếu dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Từ xa xưa, rừng là vị thần thiêng liêng của làng, vừa như người cha già bảo vệ, che chở, vừa là người mẹ hiền bảo bọc, nuôi sống từng người con Cơ Tu. Rừng được người Cơ Tu trân trọng, đối xử như người thân thiết, ruột thịt. Với họ, rừng không phải là thứ để chiếm hữu, hay khai thác bừa bãi. Rừng là niềm tự hào, là di sản mà mỗi cá nhân Cơ Tu phải cùng nhau bảo vệ vì lợi ích chung.

Chính vì lẽ đó, người Cơ Tu luôn dành sự trân trọng với rừng, họ tôn thờ thần rừng (Abhô jàng), rừng thiêng, rừng đầu nguồn, rừng nghĩa địa, và rừng có nhiều động thực vật hiếm. Sự tôn trọng được thể hiện bằng những ứng xử văn minh với rừng, thông qua hệ thống giá trị của các hương ước, luật tục. Tất cả đều được phán xử bởi các quan toà thuộc “Hội đồng già làng”, đó là những điều luật bất thành văn, dựa trên thực tế cuộc sống của đồng bào Cơ Tu. Khi có luật tục, dân làng luôn cố gắng nhắc nhở, cùng nhau chấp hành thật tốt, không ai dám vi phạm vì sợ ảnh hưởng đến sự linh thiêng của rừng, của làng.

Người Cơ Tu quan niệm rằng, muốn lấy bất kỳ thứ gì từ rừng dù to hay nhỏ cũng cần tổ chức cúng bái để được sự chấp thuận của thần linh, đồng thời phải họp bàn dân làng chấp cho phép rồi mới được phép khai thác mang về. Mọi thứ ở rừng là của chung, là của cả cộng đồng, mọi lứa tuổi già, trẻ, trai, gái, ai cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ gìn giữ, bảo vệ rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên của mình, cũng như đóng góp công sức, tài năng của mình để phát triển ngôi nhà chung Gươi (bảo tàng sống linh thiêng nhất của làng) ngày càng to lớn, đầy sức sống, lưu giữ những di sản quý giá và mang linh hồn của cả dân làng.

Trong lao động sản xuất, người Cơ Tu xem rừng như là nguồn sữa mẹ, mang đến cho dân làng những vụ mùa chín vàng, bội thu, dân làng được ấm no, an lành. Do đó, người Cơ Tu luôn tuân thủ những điều cấm kỵ khi chọn đất làm rẫy để canh tác sao cho mẹ rừng không cạn kiệt nguồn sữa.

Rừng đối với người Cơ Tu còn là nơi kiến tạo, điều tiết những mạch nước ngầm, nuôi dưỡng những cánh rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi, qua các thân rễ tạo thành các khe suối trong lành, hợp thành dòng sông lớn bồi đắp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng, cung cấp nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho đời sống dân tộc.

Đặc biệt, tất cả nghi lễ, tín ngưỡng, lễ hội, kiến trúc, trang phục, ẩm thực, văn hóa của người Cơ Tu đều liên quan mật thiết với rừng. Rừng như là vị thần chứng giám những hành vi trong cộng đồng dân làng. Từ thời xa xưa, người Cơ Tu có cách cảm hoá người xấu thành người tốt bằng cách xử phạt theo luật tục và quy ước của làng, đó là đưa kẻ phạm tội vào sâu trong rừng, cấm không cho dùng máng nước chung của làng, để các thần rừng răn đe, giáo dục cho đến khi hối lỗi sẽ được cho phép trở lại buôn làng.

Trên hết, rừng vừa là đấng tối cao, cũng là một thực thể hiền từ, nuôi dưỡng, giáo dục cách sống hài hòa với thiên nhiên. Rừng cũng là nơi ngự trị cuối cùng trong vòng đời sinh, lão, bệnh, tử của con người. Để khi lìa xa trần thế, mẹ rừng xanh luôn mở rộng vòng tay đón đứa con trung hiếu về an nghỉ với đại ngàn.

×