NTFP Việt Nam

LÀM GÌ ĐỂ BẢO TỒN, KHAI THÁC HIỆU QUẢ  CÂY THUỐC MỌC TỰ NHIÊN Ở RỪNG?

Phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, mà còn giúp tạo thu nhập, nâng cao sinh kế cho người dân địa phương.

Hiện trạng cây thuốc ở Việt Nam

Cây thuốc chiếm một vị trí quan trọng không kém trong nguồn tài nguyên Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) ở Việt Nam về thành phần loài cũng như về giá trị sử dụng và kinh tế.

Theo kết quả điều tra cơ bản của Viện dược liệu (Bộ Y Tế) năm 2015, riêng hệ thực vật ở nước ta có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao, Việt Nam có 5.100 cây thuốc thuộc 236 họ thực vật và một số động vật làm thuốc.

Tuy nhiên, do khai thác không bền vững, không chú ý đến việc tái sinh trong nhiều năm qua, cùng với một số nguyên nhân khác, nguồn cây thuốc mọc tự nhiên ở Việt Nam đã bị giảm sút nghiêm trọng, qua các biểu hiện tiêu cực như:

  • Vùng phân bố tự nhiên của cây thuốc bị thu hẹp do nạn phá rừng làm nương rẫy, đặc biệt là phá rừng trồng cao su, cà phê.
  • Một số loài có giá trị sử dụng và kinh tế cao như Vàng đắng (Coscinium fenestratum), Đảng sâm (Codonopsis javanica), Ba kích ( Morinda officinalis), đã phải đưa vào Sách Đỏ Việt Nam(1996) và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (1996, 2001, 20004) nhằm khuyến cáo bảo vệ.
  • Đặc biệt với một số cây thuốc quý hiếm như các loài Tam thất và sâm mọc tự nhiên (Panax bipinnatifidus, P.stipuleanatus và P.vietnamensis), Lan một lá (Nervilia spp), gần đây được nhắc đến nhiều là Lan kim tuyến (Anoectochilus sp ) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao.

Để bảo tồn cây thuốc có hiệu quả, chúng ta cần làm gì?

Điều tra quy hoạch, bảo vệ và khai thác bền vững

Để khai thác hợp lý và lâu dài nguồn dược liệu, nhất thiết phải tiến hành điều tra quy hoạch những vùng rừng có cây thuốc mọc tập trung, xác định được danh sách các loài có nhu cầu sử dụng cao, xây dựng kế hoạch luân chuyển vùng khai thác phù hợp với khả năng tái sinh của chúng.

Tăng cường bảo tồn cây thuốc trong hệ thống các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ

Thiết lập một hệ thống các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, thành lập Ban quản lý rừng là một việc quan trọng trong việc bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học ở Việt Nam, với nỗ lực của ngành lâm nghiệp Việt Nam đã và đang làm rất tốt điều này. Trong thời gian tới, cần có kế hoạch điều tra và xác định cây thuốc có giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn cao ở các khu VQG và KBTTN để có kế hoạch bảo vệ và phát triển. 

Bảo tồn chuyển vị (Ex-situ) kết hợp nghiên cứu gieo trồng tại chỗ.

Hiện nay, các đơn vị VQG, KBTTN đang và sẽ xây dựng các vườn thực vật, trồng lưu giữ các loài cây quý hiếm phục vụ cho yêu cầu nghiên cứu. Vì vậy, có thể chọn những loài tiềm năng có triển vọng đi sâu nghiên cứu khả năng nhân giống và kỹ thuật gieo trồng các cây thuốc có giá trị cao tại các vùng đệm để vừa phục vụ bảo tồn, vừa nâng cao đời sống của cộng đồng trong vùng.

Tổ chức tập huấn Nâng cao năng lực

Để góp phần cho công tác bảo tồn cây thuốc có kết quả, cần nâng tổ chức các khoá tập huấn cho cán bộ kiểm lâm ở các VQG và KBTTN về một số nội dung như nhận dạng cây thuốc, giá trị sử dụng và phương pháp bảo tồn các cây thuốc quý. Bên cạnh đó, đối tượng cần quan tâm đào tạo không thể bỏ qua là cộng đồng DTTS sống gần rừng, đặc biệt là những thầy lang, già làng có kinh nghiệm và tri thức truyền thống về cây thuốc.

Cho biết, hiện nay Viện Sinh Thái học Miền Nam đang thực hiện Đề tài của Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông “Thử nghiệm nhân giống và phát triển sản phẩm từ cây Cốt toái bổ tại tỉnh Đắk Nông”. Đề tài sẽ thử nghiệm nhân giống cây cốt toái bổ (Drynaria bonii), phục vụ bảo tồn nguồn gen; Đánh giá hoạt tính sinh học của Cốt toái bổ; Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất cao từ cây Cốt toái bổ ./.

×