NTFP Việt Nam

MÔ HÌNH RỪNG CỘNG ĐỒNG TẠI LÂM ĐỒNG

Thay đổi để bảo vệ những cánh rừng
Tính đến hết năm 2021, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Lâm Đồng là 978.120ha. Trong đó, tổng diện tích rừng là 539.403ha bao gồm 455.320ha rừng tự nhiên và 84.082,70ha rừng trồng. Mặc dù có diện tích lớn nhưng rừng ở Lâm Đồng phân bố không tập trung, địa hình chia cắt, hiểm trở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng cho chủ rừng.
 
 
Nhận thấy việc cần thêm “những cánh tay nối dài” bảo vệ rừng từ chính người dân địa phương, những người sống gần rừng nên chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức giao khoán rừng cho cộng đồng. Đến tháng 7/2011, Lâm Đồng đã giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 327.272ha cho 15.598 hộ, trong đó có trên 13.000 hộ dân tộc thiểu số. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo nên nguồn tài chính ổn định, giảm nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hoạt động giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện sinh kế và đời sống dân sinh của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
 
Bảy tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hơn 103 cuộc họp với 7.401 lượt người tham gia, ký 3.459 bản cam kết bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, duy trì việc tuyên truyền lưu động theo chuyên đề về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cùng Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện, thành phố. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động bằng xe loa tại các xã, phường, thị trấn có rừng. Hiệu quả bảo vệ rừng được nâng cao.
 
Đồng hành cùng người dân tăng sinh kế dưới những tán rừng
Bên cạnh những hành động từ phía chính quyền địa phương, các hoạt động từ tổ chức phi chính phủ cũng tác động tích cực tới công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, Chương trình Trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam (NTFP-EP Việt Nam) đã và đang trở thành đối tác tin cậy trong mạng lưới doanh nghiệp dựa vào cộng đồng. Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển sinh kế cho các nhóm dân tộc sống ở vùng đệm trong các khu bảo tồn ở Việt Nam.
 
NTFP-EP Việt Nam phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời nâng cao năng lực, kiến thức cho cộng đồng dân cư sống gần rừng. Giúp họ cách thức tổ chức bảo vệ tài nguyên rừng thông qua tiếp cận chính sách hưởng lợi từ rừng để nâng cao sinh kế người dân. Chương trình thực hiện nhiều buổi tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để cộng đồng hiểu rõ tầm quan trọng của rừng, cải thiện sinh kế thông qua phát triển nguồn lâm sản ngoài gỗ.
 
Từng bước các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Họ nhận thức được vai trò, lợi ích của rừng, công tác phòng chống cháy rừng và hiểu được nguồn gia tăng sinh kế bên cạnh những cánh rừng. Từ đó, bà con sẽ thực hiện tốt công tác tuần tra bảo vệ rừng, đồng hành cùng chính quyền để khai thác, chăm sóc, quản lý rừng bền vững.
 
Đối với cộng đồng cư dân được giao rừng, diện tích rừng được giao là nguồn tài nguyên nhiều tiềm năng cần được sử dụng có hiệu quả, góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng, tăng thu nhập, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
×