NTFP Việt Nam

NẾU KHÔNG CÒN NGHỀ THỔ CẨM THÌ CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA?

Trước đây, khi cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp, sản phẩm thổ cẩm là trang phục của mọi người, mọi nhà ở vùng cao. Ngày nay, với sự phát triển của công nghiệp may mặc,  nghề dệt thổ cẩm dần tàn lụi.

Sự thay đổi trong thị hiếu

Ngày xưa, các nghệ nhân thường dệt những tấm vải lớn để may quần áo cho cả làng. Hiện nay, cộng đồng người dân tộc thiểu số bắt đầu quen với kiểu ăn mặc mới, thay trang phục truyền thống bằng phong cách ăn mặc hiện đại. Từ đó, các loại thổ cẩm chỉ còn tồn tại trong các lễ hội truyền thống.

Với sự phát triển của du lịch, các sản phẩm thổ cẩm dần được lan tỏa khắp mọi nơi thông qua các sản phẩm nhỏ xinh như túi cầm tay, túi xách, khăn trãi bàn… Tuy có sự đa dạng về mẫu mã để thích ứng với nhu cầu thị trường nhưng các sản phẩm thổ cẩm vẫn chưa thật sự chạm vào người tiêu dùng.

Sự cạnh tranh của xu hướng “Giả thổ cẩm”

Trên thực tế, để làm ra các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, cần rất nhiều thời gian. Người dệt nhanh phải mất 10 ngày, làm chậm hơn thì 20 ngày, có khi cả tháng mới dệt xong một tấm vải thổ cẩm. Trong khi đó, giá bán một tấm vải thổ cẩm dao động từ 1.500.000-3.000.000 đồng/tấm vải. Sau khi trừ chi trí nguyên vật liệu và chia đều cho số công thì giá công dệt vải chỉ đạt 60.000 – 100.000 đồng/ngày. Thực tế, giá công lao động thường nhật đã đạt 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày. Điều này dẫn đến thực trạng “già hóa” nghề dệt thổ cẩm, người trẻ bỏ nghề dệt, chỉ còn vài người già bám trụ giữ nghề.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguyên liệu cung ứng tại địa phương đã dẫn đến tình trạng giá thành tăng rất cao đối với mỗi sản phẩm truyền thống (từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng). Vì vậy, sản phẩm càng khó đến tay người dùng. 

Như vậy, để bảo đảm được nguồn thu, nhiều chủ cửa hàng đã chọn biện pháp đưa thêm các sản phẩm giả truyền thống, sản xuất theo hướng công nghiệp để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Các sản phẩm công nghiệp có ưu thế hơn rất nhiều so với sản phẩm truyền thống khi đáp ứng được nhu cầu về giá thành rẻ và dễ dàng sản xuất số lượng lớn. Nhưng những sản phẩm công nghiệp thường có chất lượng kém, gây mất uy tín trong lòng du khách. Bên cạnh đó, việc đưa các sản phẩm công nghiệp ra thị trường đã đánh mất đi những giá trị cốt lõi của nghề dệt thổ cẩm nói riêng và những giá trị bản sắc văn hóa nói chung. Không chỉ vậy, vấn đề này có thể dẫn đến nguy cơ mai một nghề truyền thống ngày càng cao, khiến công tác bảo tồn và phát triển ngày càng khó thực hiện.

Theo ông Vũ Văn Đoàn, Chánh Văn phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình: “Thực trạng trên diễn ra tại địa phương thời gian qua là đúng và đang rất khó kiểm soát nguồn hàng. Do các sản phẩm làm theo phương pháp truyền thống có giá thành cao, thiếu nguyên liệu và tốn nhiều thời gian,… nên các hợp tác xã (HTX) không sản xuất số lượng lớn mà hầu hết chỉ làm theo hình thức gia công, đơn đặt hàng. Các cửa hàng thì nhập sản phẩm từ nơi khác về bán để lấy lợi nhuận. Bên cạnh đó, nguồn đầu tư cho các HTX hiện còn thấp, nên rất khó để phát triển nghề truyền thống và thu hút lao động gắn bó với nghề”.

Sản phẩm thổ cẩm trong giai đoạn hội nhập

Trước tình trạng dần mai một, đã đến lúc nghề dệt thổ cẩm truyền thống phải hướng đến sự phát triển, thích nghi với thời kỳ mới.

Để giữ gìn bản sắc dân tộc, nhiều địa phương đã thành lập các tổ hợp tác/hợp tác xã dệt thổ cẩm. Từ đó, nhiều khóa học “cầm tay chỉ việc” ra đời,  hướng dẫn từ kỹ thuật căn bản cho đến kỹ thuật nâng cao làm ra những sản phẩm dệt thổ cẩm đa dạng.Đồng thời, HTX tiếp tục phối hợp với chính quyền vận động thêm lao động chưa có tay nghề, dạy lý thuyết kết hợp với thực hành mà không thu học phí, thu hút lực lượng đông đảo các chị em phụ nữ tham gia.

Bên cạnh đó, để cứu được nghề truyền thống này, cần phải xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch, phải coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch, lấy việc phục vụ du khách là chủ yếu.

Cùng với những nỗ lực của địa phương, tổ chức NTFP-EP Việt Nam cũng góp phần “tái sinh” ngành nghề truyền thống bằng cách khuyến khích, động viên các hộ gia đình tiếp nối nghề dệt thổ cẩm, kết nối các nhóm dệt ở các địa phương nhằm giao lưu học hỏi, đồng thời hỗ trợ quảng bá, lan tỏa hình ảnh sản phẩm, giúp các sản phẩm thổ cẩm dễ dàng tiếp cận với thị trường.

Điển hình như  sản phẩm của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Kon Tum củacộng đồng người Bana hay các sản phẩm của cộng đồng K’ho ở Lâm Đồng được dệt theo phương pháp thủ công truyền thống. Qua tư duy và đôi bàn tay khéo léo của những người thợ dệt, những sợi chỉ đủ màu sắc kết hợp tạo thành những biểu tượng hoa văn cách điệu như hình quả trám, hình rồng, voi, chim thú, hoa lá hay các họa tiết hình học đối xứng rất đẹp mắt. Các sản phẩm hiện đang được sử dụng làm viền trang trí cho nhiều loại trang phục, dây đai, khăn choàng, khăn trải bàn, khăn trải giường, túi xách, tấm mền, thảm… có tính thẩm mỹ cao, được thị trường ưa chuộng. Một số sản phẩm được xuất đi nước ngoài và nâng cao thu nhập cho cộng đồng.

Nếu một mai những nghệ nhân cuối cùng cũng mất đi, không còn ai biết đến dệt thổ cẩm là gì, làm sao để tạo ra một tác phẩm đặc biệt từ bàn tay khéo léo. Chúng ta sẽ mất đi một nền văn hoá-di sản.

Vì vậy, việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm là công việc hết sức quan trọng góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Cần sự chung tay của cả cộng đồng đón nhận sản phẩm dệt truyền thống,  tiếp thêm động lực cho những nghệ nhân hiện nay và các thế hệ trẻ càng thêm yêu nét đẹp của nghề dệt, gắn bó dài lâu.

×