NTFP Việt Nam

NHỮNG NÉT VĂN HOÁ ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI K’HO

Huyện Lạc Dương – vùng đất của khí hậu mát mẻ, trong lành nơi cao nguyên Lâm Viên hùng vĩ cao 2000m so với mặt nước biển. Với hệ sinh thái đa dạng bởi hàng trăm loài động vật và vô vàn kỳ hoa dị thảo của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, vốn là nơi ngự trì của hai đỉnh núi cao nhất Lâm Đồng là Núi Bà 2167m và “nóc nhà Tây Nguyên” Bidoup 2287m.

Không chỉ là vùng đất hoang sơ và mang vẻ đẹp thiên nhiên kì vĩ, Lạc Dương còn là một trong những “cái nôi” lưu giữ truyền thống văn hoá bản địa của cộng đồng dân tộc K’ho.

K’ho là cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao phía Nam Tây Nguyên từ lâu đời, ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu là tiếng Cơ Ho, thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm Môn-Khmer. Là dân tộc tách biệt, có tập quán sống du canh du cư nên phân nhánh thành các nhóm K’ho địa phương như: K’ho  Srê, K’ho Mạ (Mạ), K’ho Nộp (Tu nốp), K’ho Chil, K’ho Lạch, K’ho Dòn…

Hoạt động sản xuất của người K’ho chủ yếu là nông nghiệp với nhiều ngành nghề tuỳ theo vị trí địa lý và đặc điểm xã hội của mỗi nhóm. Người K’ho Cil chủ yếu làm nghề dệt, đặc biệt họ có thế mạnh trong nghề làm gốm không cần bàn xoay vô cùng độc đáo. Riêng đối với nhóm K’ho Srê chú trọng nông nghiệp trồng lúa nước ở các thung lũng (Srê nghĩa là ruộng nước), các nhóm K’ho khác cư trú ở vùng núi cao nên lựa chọn phát rừng làm rẫy (mir) để trồng để trồng ngô, lúa rẫy, sắn…Ngoài ra nền nông nghiệp hái lượm và săn bắt, đánh cá; nông nghiệp trồng trọt và chăn thả truyền thống cũng rất phổ biến đối với người K’ho.

Đời sống tín ngưỡng người K’ho gắn liền với thiên nhiên núi rừng qua bao thế hệ. Họ tin rằng mọi thứ đều được quan sát, vận hành bởi những đấng tối cao đang liên tục quan sát họ nơi núi cao chót vót, hay những cánh rừng xanh sâu thẳm, từ những khe suối, con sông, đến những hang động tối tăm, hiu hắt. Bởi tính chất đa thần, người K’ho quan niệm phải luôn giành sự tôn kính và sùng bái cho Thiên Chúa. Vì vậy, trong bất kì sự kiện gì cũng cần cúng bái để thần linh ban phước giúp mọi việc được diễn ra suôn sẻ, không bị ma quỷ quấy rối. Nhất là sự kiện trồng lúa, người K’ho cẩn thận tổ chức lễ hội theo từng giai đoạn để xin thần lúa, thần mưa giúp đỡ, đảm bảo mùa vụ thật tươi tốt: lễ gieo sạ lúa, lễ cúng dưỡng lúa, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước…Tùy theo mức độ quan trọng của nghi lễ mà người K’ho sẽ hiến tế trâu, lợn, dê hoặc gà sống cùng với rượu cho thần linh. Bàn thờ (nao) thường được đặt ở nơi trang trọng và uy nghiêm nhất của ngôi nhà, ngày xưa thường được làm bằng gỗ ván, nay được gỡ bỏ và thay thế bằng  những nhánh cây, bông lúa vắt trên mái đối diện với cửa ra vào tượng trưng cho nơi thờ cúng.

Trong đời sống văn hoá xã hội, vào thế kỉ 20, chữ Cơ Ho được hình thành dựa trên bảng chữ cái La tinh. Tuy được áp dụng và cải tiến nhiều lần, chữ Cơ Ho tới nay vẫn chưa được phổ cập rộng rãi đến người dân. Có thể nói, tính nghệ sĩ luôn tồn tại trong mỗi đồng bào K’ho, thể hiện rõ nét ở nền văn học nghệ thuật dân gian phong phú, thơ ca đậm chất trữ tình và giàu nhạc tính. Ngay từ khi mới sinh ra, đứa trẻ K’ho đã được âu yếm bởi lời ru ngọt ngào của mẹ. Lên 15-16 tuổi, các chàng trai, cô gái K’ho đã biết kết giao, nhắn gửi tâm tình qua những câu hát giao duyên đằm thắm, hay gắn kết nhau qua những điệu múa trong lễ hội: mừng lúa mới, mừng nhà mới, cúng tạ thần linh…Hay giai đoạn xế chiều là thời điểm hát đối đáp để khăn khít tình xóm làng, cùng nhau ngồi bên bếp lửa, uống rượu cần, rồi mượn câu hát để kể cho con cháu nghe những giai thoại về cuộc đời ta khi xưa. 

Các nhạc cụ của người K’ho gồm: bộ cồng chiêng gồm 6 chiếc, kèn ống bầu (Kơmbuat), đàn ống tre (Kơrla), trống (Sơgơr)… những nhạc cụ này có khả năng hòa âm với lời ca hoặc độc tấu.

Nghi thức gọi thần Lửa của người K’ho ở Lạc Dương

Trong đời sống hôn nhân, người K’ho sống trong buôn làng (Bon), tổ chức gia đình theo chế độ mẫu hệ. Người đàn bà đóng vai trò chủ động trong hôn nhân; sau hôn lễ, người con trai về ở bên nhà vợ; con cái mang họ mẹ.

Sinh sống cùng nhau trong buôn, người dân K’Ho dù làm gì cũng phải luôn tâm niệm phải có ý thức, trách nhiệm để củng cố, phát triển, đoàn kết, gìn giữ bản sắc dân tộc, bảo vệ thiên nhiên núi rừng. Bởi vì rừng còn, buôn làng còn, văn hoá người K’ho mới tiếp tục được kế thừa và phát triển cho muôn đời sau.

×