NTFP Việt Nam

CHỨNG NHẬN PGS – TIÊU CHUẨN VÀNG CHO SẢN PHẨM HỮU CƠ VIỆT NAM

Đối với những người ưa chuộng sản phẩm hữu cơ, chứng nhận PGS không còn là cái tên xa lạ. Hiện tại, mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ PGS đã mở rộng trên khắp thế giới, góp phần nâng cao sinh kế và bền vững cho nhiều nông hộ trong hệ thống. 

Chứng nhận PGS là gì?

PGS (Participatory Guarantee System) là chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo quy trình cũng như tuân theo các quy định của sản xuất hữu cơ. Hiểu một cách đơn giản, PGS là hệ thống chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo các nguyên tắc và quy chuẩn hữu cơ đã được thống nhất với sự tham gia của nhiều bên trong chuỗi sản xuất – cung ứng – tiêu thụ.

Ở Việt Nam, chứng nhận PGS được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Đây cũng là chứng nhận duy nhất của thị trường nội địa chứng minh được sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.

Hệ thống PGS được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy có sự thay đổi về phương pháp và quy trình để thích nghi với điều kiện thực tế của từng địa phương, hệ thống PGS vẫn giữ được sự nhất quán trong các nguyên tắc cơ bản, gồm:

1. Tham gia vào nhóm sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận PGS

Để có thể tham gia nhóm này đòi hỏi các cá nhân, tổ chức phải trải qua khóa tập huấn. Sau đó ký cam kết tự nguyện tham gia làm theo tiêu chuẩn và cuối cùng phải nộp cho liên nhóm bản kế hoạch quản lý đồng ruộng, nông trại, trang trại.

2. Thẩm tra kế hoạch

Nhiệm vụ này sẽ được liên nhóm thẩm tra thực hiện và sẽ trả lại kết quả cho nhóm sản xuất để tiếp tục thanh tra chéo.

3. Thanh tra thực tế

Công tác này được thực hiện bởi 3 người trong nhóm sản xuất với nhiệm vụ kiểm tra thực tế ở trong hộ gia đình như đồng ruộng, nhà kho, khu sơ chế, nhà ở,… và các loại sổ sách, tài liệu người nông dân lưu giữ theo quy định.

4. Ra quyết định chứng nhận

Dựa vào báo cáo từ việc thanh tra thực tế và kế hoạch quản lý trong hồ sơ, hội đồng chứng nhận liên nhóm sẽ đưa ra quyết định có cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ PGS hay không.

5. Cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn PGS

Sau khi đã nhập đầy đủ thông tin cần thiết lên hệ thống dữ liệu, nhóm điều phối sẽ gửi giấy chứng nhận PGS cho cá nhân, tổ chức gửi yêu cầu. Tuy nhiên, chứng nhận hữu cơ PGS chỉ có hạn sử dụng 1 năm kể từ ngày thanh tra và mỗi giấy chứng nhận sẽ có số ID bao gồm mã số nông dân và liên nhóm để nhận diện.

6. Thanh tra lại

Việc thanh tra lại sẽ được diễn ra hằng năm để đảm bảo rằng khu sản xuất vẫn đạt được các tiêu chuẩn PGS hữu cơ. Sau khi đạt kiểm tra dư lượng đang chuẩn thì mới đưa ra quyết định cấp chứng nhận hữu cơ PGS theo quy trình ở trên.

Ngoài ra, cứ định kỳ hằng năm, giám đốc chứng nhận liên nhóm PGS cũng sẽ thanh tra khu vực sản xuất bằng cách chọn ngẫu nhiên 10% trong báo cáo. Điều này sẽ quyết định duyệt hay thay đổi tình trạng chứng nhận PGS.

NTFP-EP Việt Nam và tiêu chuẩn PGS Việt Nam

Tính khách quan, minh bạch của Hệ thống PGS được thể hiện ở chỗ người nông dân không thể “tự phong” sản phẩm của mình là hữu cơ ngay cả khi tham gia vào hệ thống. Để có được chứng nhận cần trải qua nhiều bước canh tác theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đã được thống nhất. Và trong suốt quá trình đó luôn có những giám sát viên theo dõi bằng nhiều hình thức, từ giám sát chéo giữa các nhóm, kiểm tra ngẫu nhiên, kiểm tra định kỳ, test sản phẩm…

Đối với Việt Nam, chứng nhận PGS được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế, bao gồm các tiêu chuẩn như sau:

Nguồn nước dùng trong canh tác phải là nguồn nước sạch, đảm bảo không xảy ra tình trạng ô nhiễm theo đúng quy định trong tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn của TCVN 5942:1995. Ngoài ra, khu vực sản xuất hữu cơ cần phải được cách ly khỏi các nguồn ô nhiễm như nhà máy, khu sản xuất công nghiệp, khu đang xây dựng, trục đường giao thông chính,…

Các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất tổng hợp kích thích sinh trưởng đều cấm sử dụng, chỉ được phép sử dụng bởi các nông dân đã có đăng ký với PGS và được PGS chấp thuận. Cấm sử dụng phân người, phân ủ được làm từ rác thải đô thị và đồng thời phân động vật lấy vào từ bên ngoài trang trại phải được ủ nóng trước khi dùng trong canh tác hữu cơ.

Bên cạnh đó, PGS yêu cầu không được sử dụng các túi và vật đựng các chất cấm trong canh tác hữu cơ để vận chuyển và cất giữ sản phẩm hữu cơ. Cấm đốt cành cây và rơm rạ, ngoại trừ phương pháp du canh truyền thống đồng thời cấm sử dụng tất cả vật tư đầu vào có chứa sản phẩm biến đổi gen (GMO).

Điểm khác biệt cơ bản, cũng như tính nhân văn, giá trị xã hội của các hệ thống chứng nhận hữu cơ PGS là người sản xuất có thể tự xây dựng hệ thống chứng nhận của mình thông qua các liên minh sản xuất – cung ứng – tiêu dùng. Yếu tố này đặc biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam, khi diện tích canh tác không đủ lớn để hình thành các trang trại đạt chuẩn và không đủ chi phí để thuê đánh giá độc lập.

Điều này không có nghĩa là chứng nhận PGS không dành cho các mô hình sản xuất cá thể. Tuy nhiên, với đặc điểm diện tích canh tác nhỏ và phân mảnh như tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam, đây là “cứu cánh” cho các nông hộ muốn canh tác hữu cơ đạt chuẩn. 

Hiện tại, chưa có hệ thống PGS cho sản phẩm từ rừng tại Việt Nam. NTFP-EP Việt Nam đang từng bước xây dựng hệ thống đánh giá PGS cho mật ong rừng tại xã Dưng K’Nớh, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đây là mô hình PGS đầu tiên cho sản phẩm tự nhiên.


×